Lo sợ thiếu hụt lao động, Trung Quốc quyết định nâng độ tuổi nghỉ hưu
Đặt mục tiêu đối phó với thách thức dân số già và bảo vệ nền kinh tế, Trung Quốc sẽ chính thức nâng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động kể từ ngày 1/1/2025…
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc đã thông qua kế hoạch nâng dần độ tuổi nghỉ hưu, có hiệu lực chính thức kể từ ngày 1/1/2025.
Với nam giới, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi. Đối với phụ nữ làm công việc văn phòng, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 55 lên 58, còn với phụ nữ làm công việc tay chân, độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 50 lên 55 tuổi.
Những thay đổi này sẽ được thực hiện trong vòng 15 năm, có nghĩa là độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần dựa trên ngày sinh của mỗi người.
Hiện tại, người lao động Trung Quốc nằm trong nhóm có độ tuổi về hưu sớm nhất thế giới. Nhưng áp lực về nhân khẩu học hiện tại khiến việc điều chỉnh trở nên cần thiết và cấp bách hơn do tỷ lệ sinh thấp và độ tuổi nghỉ hưu tương đối trẻ khiến dân số trong độ tuổi lao động tiếp tục giảm.
Trung Quốc đang đối mặt với áp lực lớn khi nguồn lực lao động suy giảm và thâm hụt ngân sách hưu trí, hai yếu tố có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Erica Tay, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank cho biết Trung Quốc cần tận dụng nguồn lao động lớn tuổi khi tình trạng thiếu hụt lao động trở nên nghiêm trọng hơn trong thập kỷ tới.
Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc đã có gần 300 triệu người trên 60 tuổi. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 400 triệu vào năm 2035. Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đã từng cảnh báo rằng quỹ hưu trí công sẽ cạn kiệt vào thời điểm đó.
Vào năm 2022, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng báo cáo rằng lần đầu tiên, nước này có ít hơn 850.000 người so với năm trước, đánh dấu một bước ngoặt từ tăng trưởng dân số sang suy giảm dân số. Đến năm 2023, dân số Trung Quốc giảm thêm 2 triệu người. Điều này có nghĩa là gánh nặng lương hưu của người cao tuổi sẽ đề nặng lên nhóm lao động trẻ có quy mô nhỏ hơn, vì lương hưu phần lớn được tài trợ từ các khoản đóng góp của những người đang làm việc.
Các nhà nghiên cứu đã đo lường áp lực này bằng cách xem xét tỷ lệ phụ thuộc, so sánh số người trên 65 tuổi với số lao động dưới 65 tuổi. Theo số liệu thống kê của chính phủ, tỷ lệ này là 21,8% vào năm 2022, nghĩa là cứ khoảng 5 người lao động sẽ hỗ trợ cho 1 người nghỉ hưu.
“Những điều chỉnh mới cần đạt được sự cân bằng giữa việc khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động và đáp ứng kỳ vọng của người dân một cách dần dần và có tính toán”, ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại JLL nhận định.
Tuy nhiên, việc nâng nâng độ tuổi nghỉ hưu sẽ gây ra những khó khăn trong ngắn hạn, theo các chuyên gia. Hiện tại, thanh thiếu niên Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm khi nền kinh tế trải qua giai đoạn bất ổn, liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản và sự phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19.