Thấu hiểu, tạo sự đồng thuận xã hội
Bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, thời gian qua, công tác dân vận của Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân (Lữ đoàn 126) đã trở thành điểm sáng của Quân chủng Hải quân; góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận xã hội, thắt chặt tình đoàn kết quân dân.
Giúp dân thiết thực
Trong căn nhà nhỏ ven biển huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tiếng cười đùa của chị em Linh Chi (8 tuổi) cùng ông bà nội vang lên trong những ngày đầu xuân mới. Cha mất khi đi biển, mẹ bị trầm cảm, bỏ nhà ra đi, hai chị em Linh Chi phải sống nhờ ông bà nội. Kể từ khi được Lữ đoàn 126 nhận đỡ đầu, cuộc sống của các em đã có nhiều đổi thay, ngày Tết vì thế cũng ấm áp, đủ đầy hơn.
Bà Đậu Thị Đức, bà nội của Linh Chi chia sẻ: "Hai ông bà già với hai đứa cháu, khó khăn không kể xiết. Sự quan tâm của Bộ đội Hải quân là ân tình lớn đối với gia đình tôi, giúp các cháu có điều kiện học hành, đỡ thiệt thòi với bạn bè trong những ngày lễ, tết".

Bộ đội Lữ đoàn 126 lặn tìm kiếm người mất tích ở khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Năm 2023, Lữ đoàn 126 đã nhận đỡ đầu hai cháu là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mỗi cháu được tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để bảo đảm điều kiện học tập. Vào các dịp lễ, tết, Lữ đoàn cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên và trao quà tặng gia đình các em, giúp gia đình có một cái Tết đầm ấm hơn.
Thượng tá Trần Nhật Lạc, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 126 chia sẻ: Qua hoạt động "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân", chúng tôi mong muốn chia sẻ khó khăn với bà con, giúp con em ngư dân có điều kiện học tập tốt hơn. Dù gặp nhiều trở ngại như việc lựa chọn các trường hợp phù hợp hay duy trì nguồn lực hỗ trợ lâu dài nhưng với quyết tâm và tinh thần đồng lòng, chúng tôi nỗ lực hết sức để bảo đảm các cháu có một tương lai tươi sáng hơn".
Hiện nay, Chương trình "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân" đang được triển khai ở 28 tỉnh, thành phố ven biển nhằm hiện thực hóa chủ trương “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Quân chủng Hải quân. Đây là hoạt động mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ đội Hải quân đối với ngư dân-những người luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên biển. Chương trình không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn tiếp thêm động lực, giúp các cháu nhỏ là con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Trách nhiệm, sự kiên trì, khéo léo vận động
Điểm đặc biệt tại doanh trại Lữ đoàn 126 là có một con đường dân sinh đi xuyên qua khuôn viên đơn vị. Điều này gây nhiều lo ngại về an toàn giao thông cũng như ảnh hưởng đến công tác đóng quân, canh phòng. Cuối năm 2024, Lữ đoàn được chấp thuận triển khai dự án đường tránh dân sinh nhằm thay thế con đường cũ. Tuyến đường mới rộng 9m, được trải nhựa và lắp đặt hệ thống biển báo đầy đủ không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương mà còn bảo đảm an toàn cho người dân cũng như cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị.
Mặc dù dự án mang lại nhiều lợi ích lâu dài, song quá trình triển khai lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng. Người dân trong khu vực chủ yếu làm nông nghiệp, khi nghe thông tin về việc thu hồi đất, nhiều người tỏ ra không đồng tình. Hơn nữa, sau khi huyện Thủy Nguyên được nâng cấp lên thành phố, nhiều hộ dân có xu hướng giữ đất chờ lên giá.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 giúp dân sau bão số 3 (Yagi).
Nhằm tạo sự đồng thuận, Lữ đoàn 126 đã phối hợp với cơ quan chức năng TP Thủy Nguyên, TP Hải Phòng tổ chức tuyên truyền, vận động và mở nhiều cuộc đối thoại để giải thích lợi ích lâu dài của dự án. Đồng thời, đơn vị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và đưa ra các phương án hỗ trợ phù hợp. Nhờ sự kiên trì vận động, 84 hộ dân thuộc 3 xã Trung Hà, Ngũ Lão và Thủy Triều (nay là 2 phường Phạm Ngũ Lão và Thủy Hà) đã tiến hành di dời mộ, hoa màu, bàn giao tổng cộng 24.000m² đất nông nghiệp để phục vụ thi công dự án. Ban đầu, một số hộ dân còn băn khoăn, lo lắng vì việc di dời mộ và bàn giao đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng nhờ sự kiên trì, khéo léo vận động của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, bà con đã dần hiểu và đồng thuận với chủ trương của Nhà nước.
Có được sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân chính là nhờ những hoạt động thiết thực mà Lữ đoàn 126 đã triển khai. Không chỉ thực hiện các chương trình lớn, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng như khám, chữa bệnh miễn phí, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Hằng năm, Lữ đoàn 126 tổ chức huấn luyện kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước cho hàng nghìn lượt thanh, thiếu niên trên các địa bàn đóng quân, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn do đuối nước gây ra. Đặc biệt, trong cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua tại Hải Phòng, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 126 đã kịp thời hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm và tham gia lặn tìm kiếm người mất tích tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ), được chính quyền, nhân dân đánh giá cao.
Theo Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn 126, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn xác định công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm gắn bó với nhân dân. Cùng với thực hiện phương châm "dân vận khéo", đơn vị đã tạo dựng được sự đoàn kết, gắn bó quân dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.