Thật sự đột phá cho công nghiệp công nghệ số

Sáng 6.1, tiếp tục Phiên họp thứ 41, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Thống nhất quy định khung về tài sản số

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về tài sản số (Điều 13 và Điều 14), có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết; ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo Luật.

Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan. Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Lâm Hiển

Có ý kiến đề nghị xem xét có cần sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán hay không khi quy định về tài sản số trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy các quy định về tài sản số trong dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 45 đến Điều 48), có ý kiến đề nghị thể hiện ngắn gọn các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thể hiện Chương IV ngắn gọn, bao gồm 4 điều. Cụ thể là quy định về khái niệm, mục tiêu, nguyên tắc, cơ chế triển khai, thẩm quyền cho phép thử nghiệm, quyền, trách nhiệm và miễn trách nhiệm các bên liên quan, bảo vệ người tiêu dùng.

Về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp phép thử nghiệm, dự thảo Luật giao cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm ban hành để bảo đảm tính linh hoạt, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện trong lĩnh vực, địa bàn được phân công.

Xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho công nghệ số

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tài sản số, ưu đãi trong công nghiệp bán dẫn, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trí tuệ nhân tạo và nhất trí với nhiều nội dung như Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã nêu.

Đánh giá cao sau Kỳ họp thứ Tám, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các cơ quan liên quan đã khẩn trương tiếp thu ý kiến của ĐBQH thảo luận tại tổ và tại Hội trường về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, ngày 22.12.2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, Bộ Chính trị sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết vào ngày 13.1 tới tại Hội trường Diên Hồng. “Dự thảo Luật được soạn thảo trước khi Nghị quyết được ban hành, do đó, phải dự kiến khi Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín thì điều chỉnh những nội dung nào để bảo đảm thật sự đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ số”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị các phương án để bảo đảm phạm vi điều chỉnh phù hợp với những vấn đề mới mang tính thời sự như: internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn...

"Phải xác định trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối, công nghiệp bán dẫn là công nghệ chiến lược và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 từng bước làm chủ công nghệ này. Luật Công nghiệp công nghệ số ban hành phải đi vào thực hiện Nghị quyết 57; tính toán, làm rõ từ nay đến năm 2030, năm 2045, phải làm chủ công nghệ chiến lược như thế nào để phát triển đất nước; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số".

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các quy định trong dự thảo Luật phải bảo đảm đồng bộ với các luật khác, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ nghiên cứu, thống nhất với các bộ, ngành để xác định lĩnh vực ưu tiên, định hướng đầu tư cho công nghệ số.

Tại khoản 3 Điều 44 dự thảo Luật hiện đang quy định về “Trường hợp dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 3.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư...”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ vì sao lại quy định con số cụ thể này vào dự thảo Luật?

Bên cạnh đó, tài sản số là vấn đề mới và phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nghiên cứu quy định một cách phù hợp.

Nhấn mạnh, dự án Luật này trước đây đã quan trọng, nhưng hiện nay khi đã có Nghị quyết số 57 thì càng quan trọng hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để đáp ứng thực hiện yêu cầu theo Nghị quyết của Đảng một cách thông suốt.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để bảo đảm ý kiến của ĐBQH, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp được tiếp thu và giải trình đầy đủ, thuyết phục. Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; đồng thời đáp ứng các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật, bảo đảm chất lượng dự án luật trình Quốc hội thể hiện tính chất đột phá trong lĩnh vực công nghệ số. Tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, của Quốc hội trong công tác xây dựng Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến và đề nghị cơ quan soạn thảo chuẩn bị các nghị định có liên quan. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu liên quan theo quy định.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/that-su-dot-pha-cho-cong-nghiep-cong-nghe-so-post401222.html
Zalo