Thắt chặt liên kết với nền xuất bản các nước khu vực ASEAN
Trong buổi gặp gỡ sáng ngày 13/9, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á đã đề xuất nhiều ý kiến hợp tác với xuất bản Việt Nam.
Sáng ngày 13/9, ông Đỗ Quang Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, cùng các hội viên đã có buổi làm việc, trò chuyện với bà Trasvin Jittidecharak, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA).
Theo đại diện ABPA, nhằm tăng cường sự liên kết giữa các nước trong khu vực, đơn vị dự kiến thành lập ba tiểu ban về giao dịch bản quyền, xuất bản điện tử và Giải thưởng Sách ASEAN.
Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á mong rằng Việt Nam có thể cử ít nhất một thành viên tham gia vào mỗi tiểu ban này.
Cũng tại buổi gặp mặt, khi bàn về văn hóa đọc, đại diện Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á đã lấy ví dụ về chương trình tặng voucher sách cho sinh viên của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Chính phủ Malaysia hỗ trợ tài chính cho sinh viên mua sách giảm giá, giúp tăng cường kiến thức cho thế hệ trẻ và đồng thời thúc đẩy doanh số cho các công ty sách.
Đây là một sáng kiến có sự tài trợ từ ngân sách nhà nước. Nó đã mang lại tác động tích cực đến việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Malaysia không chỉ thành công trong việc khuyến khích đọc sách mà còn tạo động lực cho ngành xuất bản trong nước phát triển mạnh mẽ.
Chia sẻ về sáng kiến phát triển văn hóa đọc của Việt Nam, ông Đỗ Quang Dũng nhắc đến mô hình đường sách, tiêu biểu là Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM). "Đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ là nơi bán sách mà đã trở thành điểm đến văn hóa cho bạn đọc nói riêng, văn hóa nói chung. Nhiều đơn vị xuất bản, doanh nghiệp cũng hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động khuyến đọc tại Đường sách Nguyễn Văn Bình", Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói tại buổi gặp mặt.
Ngoài ra, cuộc trao đổi cũng đề cập đến việc các nước ASEAN có thể thúc đẩy giao dịch bản quyền thông qua các quỹ dịch thuật. Malaysia, Indonesia, và Philippines là những quốc gia đi đầu trong việc thành lập các quỹ này.
Thông qua các quỹ dịch thuật, không chỉ chi phí bản quyền được tài trợ mà còn có các hoạt động hỗ trợ dịch thuật và quảng bá tác phẩm giữa các nước trong khu vực. Sự hợp tác này giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà xuất bản và thúc đẩy giao lưu văn hóa, giúp các tác phẩm của các nước ASEAN có thể tiếp cận rộng rãi hơn với độc giả trong khu vực.
Cuộc trao đổi kết thúc với sự thống nhất rằng hợp tác giữa các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực xuất bản cần được đẩy mạnh hơn nữa, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy các hoạt động trao đổi bản quyền, hỗ trợ dịch thuật và phát triển văn hóa đọc.