Cải thiện dinh dưỡng, phát triển thể chất trẻ em nghèo ở Đông Giang

Suy dinh dưỡng ở trẻ em không chỉ là vấn đề của sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tương lai của trẻ. Không ít trẻ em từ 0 - 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo ở xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) đối mặt chế độ thiếu hụt dinh dưỡng. Chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021- 2025 đã can thiệp kịp thời.

Trẻ em được cân để đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại Đông Giang

Trẻ em được cân để đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại Đông Giang

Suy dinh dưỡng gầy còm vẫn còn cao

Thực hiện cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại huyện Hàm Thuận Bắc, năm 2024, Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang lập danh sách trẻ từ 0 - 16 tuổi, với 162 trẻ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cân đo, đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng. Kết quả cho thấy, nhóm trẻ từ 0 đến dưới 5 tuổi có 9 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, chiếm tỷ lệ 22.5%, đạt chỉ tiêu giao 23.4%. Tuy nhiên, số trẻ em gầy còm trong nhóm tuổi này có 2 trẻ, chiếm tỷ lệ 5% trong khi chỉ tiêu yêu cầu là dưới 4%. Với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi có 28 trẻ, chiếm tỷ lệ 22.95%, cũng đạt mục tiêu đề ra là dưới 34%. Những số liệu này cho thấy, trẻ đã được theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Phần lớn tỷ lệ suy dinh dưỡng đạt chỉ tiêu đề ra. Riêng tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm vẫn còn cao.

Trẻ em được đo để đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại Đông Giang

Trẻ em được đo để đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại Đông Giang

Một số cộng tác viên y tế cho biết: Đông Giang là xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các gia đình nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo gặp khó khăn về kinh tế. Nguồn thu nhập chính từ nghề nông, làm rẫy, hoặc đi rừng, ai thuê gì làm đó, thu nhập không ổn định. Và câu chuyện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ em chưa được đảm bảo là điều không thể tránh khỏi. Bữa ăn của các gia đình này thường rất đạm bạc gồm cơm, canh rau nấu với cá, cua bắt từ sông, suối hoặc trứng chiên, luộc, thịt kho. Mùa mưa có đọt mây, măng, lá bép lấy từ rừng bổ sung thêm rau xanh từ tự nhiên. Vào những lúc nông nhàn, một số gia đình sang xã khác làm thuê.

Theo bác sĩ Thông Thanh Lý - Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Đông Giang, bữa ăn của những trẻ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo không đa dạng, không cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, sắt, kẽm và canxi, protein đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Sự thiếu hụt dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ mà còn có tác động lâu dài đến khả năng học tập và phát triển trí tuệ của các em. Thiếu dinh dưỡng có thể khiến trẻ khó tiếp thu kiến thức, làm giảm khả năng học hỏi và phát triển kỹ năng cần thiết trong tương lai.

Người dân ở Đông Giang nhận vi chất bổ sung để cải thiện dinh dưỡng trẻ em nghèo.

Người dân ở Đông Giang nhận vi chất bổ sung để cải thiện dinh dưỡng trẻ em nghèo.

Bổ sung vi chất

Để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo, chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 tại huyện Hàm Thuận Bắc cung cấp miễn phí các sản phẩm dinh dưỡng cho các trẻ em suy dinh dưỡng năm 2024. Các sản phẩm này được cấp phát 60 gói/trẻ đối với trẻ em dưới 5 tuổi và 60 gói/trẻ với trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi. Ngoài ra, viên sắt cũng được cung cấp cho trẻ gái từ 12 đến dưới 16 tuổi có kinh nguyệt, nhằm phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Những biện pháp này là cần thiết để giúp trẻ em phục hồi và phát triển tốt hơn về thể chất và sức khỏe. Thêm vào đó, chương trình hỗ trợ trang thiết bị cân đo cho trẻ. Cụ thể, cân điện tử, cân trẻ em có lồng máng, thước đo chiều cao đứng gỗ, thước đo chiều nằm trẻ sơ sinh.

Trẻ em gái ở Đông Giang nhận viên sắt.

Trẻ em gái ở Đông Giang nhận viên sắt.

Bác sĩ Thông Thanh Lý chia sẻ: Một trong những thuận lợi lớn trong quá trình thực hiện chương trình là sự quan tâm chỉ đạo của UBND xã và Trung tâm Y tế huyện, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cộng tác viên, tập thể Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang triển khai tốt kế hoạch. Cùng với đó, việc mua sắm thiết bị cân đo chuẩn, kịp thời giúp việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ chính xác, khoa học hơn để có những can thiệp kịp thời và hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phối hợp tích cực của cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng giúp chương trình triển khai tốt theo kế hoạch.

Người dân ở Đông Giang nhận vi chất bổ sung để cải thiện dinh dưỡng trẻ em nghèo.

Người dân ở Đông Giang nhận vi chất bổ sung để cải thiện dinh dưỡng trẻ em nghèo.

Tuy nhiên, công tác cải thiện dinh dưỡng tại xã Đông Giang cũng gặp phải không ít khó khăn. Đó là nhận thức của một số hộ gia đình về dinh dưỡng vẫn còn hạn chế. Có những gia đình có tư tưởng thích nhận sữa hơn là sản phẩm dinh dưỡng. Đáng chú ý, nguồn thu nhập của những hộ nghèo, cận nghèo không ổn định khiến việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trở nên khó khăn. Vì vậy, Phòng khám đa khoa khu vực Đông Giang phối hợp với địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của vi chất dinh dưỡng và lợi ích của các sản phẩm dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện thường xuyên và rộng rãi, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, các cuộc hội thảo, hoặc các hoạt động giáo dục tại trường học để nâng cao nhận thức của người dân.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-in-hdtt-giam-ngheo-ben-vung-o-ham-thuan-bac-1-trang-cai-thien-dinh-duong-phat-trien-the-chat-tre-em-ngheo-o-dong-giang-126010.html
Zalo