Tháp Bánh Ít - nơi lưu giữ giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo của Chăm Pa
Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp Chăm cổ và quy mô nhất còn tồn tại ở miền Trung, có kiến trúc tháp mang đậm nét đặc trưng của nghệ thuật Chăm Pa với những hoa văn trang trí tinh xảo.

Tháp Bánh Ít toát lên vẻ đẹp của kiến trúc Chăm cổ kính. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Nền văn hóa Chăm Pa, một trong những nền văn hóa đặc sắc và cổ xưa tại Việt Nam, đã phát triển qua hơn 1.000 năm. Nền văn hóa này không chỉ thể hiện rõ nét ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo mà còn tích hợp với các yếu tố văn hóa bản địa, hình thành những giá trị độc đáo và phong phú, đóng góp vào sự đa dạng và đầy màu sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Mặc dù Vương quốc Chăm Pa không còn tồn tại, nhưng những giá trị văn hóa và kiến trúc vĩ đại của nó vẫn trường tồn với thời gian. Du khách có thể tận mắt khám phá các tháp Chăm độc đáo tại nhiều địa phương ở miền Trung Việt Nam.
Trong số đó, tháp Bánh Ít nằm trên ngọn đồi ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, là biểu tượng của nền văn hóa Chăm Pa cổ đại, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc và tâm linh. Nơi đây mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về nét đẹp kiến trúc, văn hóa của một nền văn minh lâu đời.
Nếu có dịp đến Quy Nhơn, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm quần thể tháp nổi tiếng này để ngắm nhìn, khám phá những bí ẩn lịch sử nơi đây.
1. Giới thiệu về tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít mở cửa tham quan từ 7h đến 18h các ngày trong tuần, là một di tích kiến trúc cổ của người Chăm Pa, nổi bật với vẻ đẹp độc đáo và nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía Tây Bắc.
Khu di tích này được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12 bởi người Chăm và ban đầu mang tên tháp Bạc hay Yang Mtian.
Tên gọi tháp Bánh Ít xuất phát từ hình dáng độc đáo của tháp, tương tự như những chiếc bánh ít, một món ăn truyền thống của người dân Bình Định. Tháp còn được biết đến với tên tháp cầu Bà Di, vì vị trí nằm gần cây cầu cổ Bà Di, có từ thời Pháp thuộc.
Tháp Bánh Ít bao gồm một nhóm bốn tháp, với tháp chính cao nhất 22m. Đây là nơi thờ cúng các thần Hindu như Shiva, Vishnu, Ganesha và diễn ra các nghi lễ tôn giáo của người Chăm.
Năm 1982, tháp nhận danh hiệu Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia và được một nhóm tác giả người Anh đưa vào danh sách 1.001 công trình kiến trúc đáng tham quan trong cuộc đời.

Tháp Bánh Ít nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
2. Kiến trúc đậm dấu ấn Chăm
Đặc điểm nổi bật của kiến trúc Chăm Pa tại khu vực Bình Định là các yếu tố như cột ốp được chạm rãnh dọc, viền mái bằng đá sa thạch, và các vòm cửa có độ cao nhọn trên các tháp. Tháp Bánh Ít là một trong những quần thể di tích quan trọng, bảo tồn giá trị nghệ thuật đặc trưng của nền văn hóa này.
Khi tham quan tháp Bánh Ít ở Bình Định, du khách cảm nhận như mình đang trở về quá khứ, "dịch chuyển" về thời kỳ huy hoàng của Vương quốc Chăm Pa. Các dấu tích thời gian được giữ lại trong từng viên gạch đất nung, mỗi hoa văn tinh xảo và những mái tháp cao lớn, uy nghi.
Dấu ấn kiến trúc và văn hóa Chăm Pa độc đáo tại tháp Bánh Ít Bình Định được thể hiện qua nhiều chi tiết, bao gồm:
Vật liệu xây dựng: Gạch nung và đá sa thạch được kết hợp một cách tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo trong kỹ thuật xây dựng.
Cấu trúc hình dạng: Tháp có dạng hình trụ tròn, giảm dần kích thước và chia thành nhiều tầng khi lên đến đỉnh, tạo ra một hiệu ứng thị giác đáng chú ý.
Kiến trúc phần mái: Mái tháp cong vút và có dạng chóp nón, được trang trí công phu bằng các hoa văn tinh tế.
Cửa tháp: Cửa tháp có hình vòm, thường được tô điểm bằng các tượng thần hoặc hoa văn tinh xảo.
Nghệ thuật hoa văn trang trí: Tháp nổi bật với các hoa văn độc đáo, là minh họa sống động của nghệ thuật Chăm Pa. Các thiết kế trang trí bao gồm hoa văn hình lá, hoa, và động vật, với màu sắc tươi sáng và đường nét tinh tế.

(Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
3. Khám phá quần thể tháp Bánh Ít
Quần thể tháp Bánh Ít bao gồm bốn tòa tháp với các chức năng tôn giáo và văn hóa dành cho người Chăm. Tên gọi của các tháp lần lượt là tháp chính (Kalan), tháp cổng (Gopura), tháp hỏa (Kosagrha) và tháp bia (Posah).
Dựa trên những di tích còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng đã có nhiều công trình kiến trúc khác từng tồn tại ở đây, tạo nên một trung tâm tôn giáo phong phú với sự đa dạng về kiểu dáng kiến trúc.
Tháp cổng (Gopura)
Tháp cổng, hay còn gọi là Gopura, đóng vai trò là điểm kiến trúc nhỏ nhất trong tổng thể cấu trúc, với hình dáng vuông và mái tháp được thiết kế như một bông hoa. Tháp mang ý nghĩa biểu tượng của sự chào đón và định hướng các tín đồ tiến vào khu vực thờ cúng.
Nằm tại phía Đông dưới chân đồi, tháp cổng có kích thước nhỏ hơn và kém tinh xảo so với tháp chính, nhưng lại nổi bật bởi vẻ vững chãi và mạnh mẽ.
Được xây dựng từ gạch, tháp cao 13m với nền hình vuông có mỗi cạnh dài 7 mét. Vòm cổng được thiết kế như một mũi lao hướng thẳng lên bầu trời, tạo nên sự uy nghiêm cho kiến trúc. Hai cửa của tháp nằm đối diện theo trục Đông-Tây và thẳng hàng với cửa tháp Chính trên đỉnh đồi. Bề mặt tường tháp được trang trí bằng các họa tiết hoa văn tinh tế cùng với các cửa giả có hình dạng mũi lao sắc nhọn.

Du khách khám phá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tháp bia (Posah)
Tháp bia, còn được gọi là Posah, là một kiến trúc cổ có chiều cao vượt quá 10 mét và có mặt bằng hình vuông. Nằm cách tháp cổng 22m về phía Nam, tháp bia sở hữu bốn cửa đối xứng nhau theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, và Bắc.
Đặc điểm nổi bật của tháp này là phần mái được thiết kế độc đáo so với các tháp Chàm khác, với sự thu hẹp dần khi tăng theo chiều cao.
Mỗi tầng mái của tháp có một hàng bầu lọ cong ở hai đầu, tạo nên hình dáng giống như những quả bầu rượu nằm sát cạnh nhau, do đó, tháp còn được gọi với cái tên tháp Bầu rượu. Tháp này từng là nơi lưu giữ các bia ký ghi nhận công trạng của các vị vua và thần linh được tôn kính ở khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay các tấm bia tại tháp đã bị thất lạc.
Tháp chính (Kalan)
Tháp chính (Kalan) tọa lạc trên đỉnh đồi và là công trình kiến trúc lớn nhất với chiều cao 29,6m. Nó có thiết kế vuông với mỗi cạnh dài 12m, bao gồm một cửa chính hướng Đông và ba cửa giả.
Điểm nhấn của cửa chính là vòm hình mũi giáo với phù điêu Kala ở trung tâm. Diềm mái của vòm trang trí bằng hình khỉ thần HaNuMan đang nhảy múa. Các cửa giả nhỏ có phù điêu Gajasimha trên diềm mái.
Gần đó là tháp Hỏa, nằm phía tây tháp Bia, có chiều cao 10m, dài 12m, rộng 5m, và tường dày 1,4m. Tháp này từng làm nhà kho chứa đồ tế của người Champa cổ.
Tháp hỏa (Kosagrha)
Tháp hỏa (Kosagrha) được xây dựng theo hình dáng chữ nhật, khác biệt so với các tháp thông thường có hình vuông. Tòa tháp này đạt chiều cao 10m, chiều dài 12m và chiều rộng 5m.
Nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và sắp xếp các lễ vật trước khi đưa chúng vào tháp chính, nơi diễn ra các nghi lễ tưởng nhớ và tôn vinh các vị vua cùng thần linh của người Champa cổ.
Ngắm nhìn bức tượng thần Shiva
Nằm ở vị trí trung tâm của quần thể tháp Bánh Ít, tháp chính, hay còn gọi là Kalan, là điểm đến nổi bật cho du khách muốn chiêm ngưỡng tượng thần Shiva uy nghiêm trên đài sen. Đây là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Chăm Pa.
Tượng có chiều cao 1,54m, rộng 1,06m và dày 0,56m. Năm 2013, bức tượng đã được phục chế dựa trên bản gốc hiện được trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Pháp. Đây là tác phẩm điêu khắc Chăm Pa cổ nhất tại Bình Định, mang phong cách Chánh lộ từ thế kỷ 11.

Tháp Bánh Ít là nơi thờ thần Shiva. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Chiêm ngưỡng các bức phù điêu đẹp mắt
Ngoài thiết kế kiến trúc độc đáo, tháp Bánh Ít còn hấp dẫn du khách với những phù điêu tinh xảo, đóng góp vào giá trị nghệ thuật và văn hóa to lớn của di tích.
Các phù điêu này được chạm khắc trên tường, diềm mái và cửa tháp, phản ánh sinh hoạt, tín ngưỡng cùng thế giới quan của người Chăm Pa thời kỳ đó.
Thế giới thần thoại: Các vị thần như Shiva, Vishnu, Brahma, Ganesha,... được miêu tả với sự uy nghi và quyền lực to lớn.
Linh vật linh thiêng: Voi, hổ, trâu, bò,... là những con vật được người Chăm Pa tôn sùng, đóng vai trò biểu tượng cho sức mạnh, sự kiên cường và lòng trung thành.
Hoa văn trang trí: Hình lá, hình mây, hình động vật,... được chạm khắc một cách tinh tế, góp phần tạo nên nét đẹp lộng lẫy của các bức phù điêu.
Cảnh sinh hoạt thường ngày: Hoạt động nông nghiệp, săn bắn, đánh bắt cá,... được khắc họa một cách sinh động, phản ánh chân thực cuộc sống của dân cư Chăm Pa trong thời kỳ đó.
3. Nên đến tháp Bánh Ít vào thời gian nào?
Để lên kế hoạch du lịch đến Bình Định, đặc biệt là tháp Bánh Ít, việc lựa chọn thời điểm thích hợp và chuẩn bị kỹ lưỡng là điều cần thiết.
Khoảng thời gian lý tưởng để thăm quan là trong mùa khô, từ tháng 1 đến tháng 8. Thời gian này thời tiết ở Quy Nhơn thường ít mưa, khí hậu dễ chịu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời.
Ngược lại, nếu bạn dự định tới đây từ tháng 9 đến tháng 12, nên kiểm tra dự báo thời tiết trước, vì khu vực này thường xuất hiện mưa trong thời gian đó.
4. Di chuyển từ Quy Nhơn đến Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Tây Bắc. Du khách có thể đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau như xe máy, xe khách, ô tô, taxi hoặc xe công nghệ.
Nếu sử dụng xe máy hoặc ôtô, bạn có thể tự lái từ trung tâm thành phố Quy Nhơn qua đường Nguyễn Tất Thành để đến Tháp Bánh Ít tại Bình Định.
Một cách tiện lợi và dễ dàng khác là sử dụng dịch vụ taxi hoặc xe công nghệ. Các dịch vụ này dễ dàng tìm thấy tại nhiều điểm trong thành phố Quy Nhơn. Để có mức giá tốt hơn, bạn nên đặt trước qua ứng dụng hoặc liên hệ trực tiếp. Hãy thỏa thuận giá cả với tài xế trước khi bắt đầu chuyến đi.

Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp lâu đời nhất và là điểm dừng chân mà du khách nhất định không thể bỏ qua khi đến thăm Bình Định. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
5. Những thứ cần chuẩn bị và lưu ý
Khi ghé thăm tháp Bánh Ít, một trong những di tích Chăm Pa cổ nhất tại Bình Định, bạn cần chú ý chuẩn bị những điều sau để có một chuyến đi suôn sẻ:
- Trang bị quần áo thoáng mát, mang theo nón, khẩu trang, ô dù, kem chống nắng và nước uống để bảo vệ bản thân trước thời tiết khắc nghiệt.
- Kiểm tra kỹ giấy tờ tùy thân, vé vào cổng và đem theo một ít tiền mặt dành cho việc mua sắm đồ lưu niệm hoặc thưởng thức ẩm thực tại địa phương.
- Thể hiện sự tôn trọng đối với di tích bằng cách không chạm vào tượng, phù điêu, không viết bậy hoặc xả rác.
- Để có trải nghiệm trọn vẹn hơn, nên thuê hướng dẫn viên hoặc tự tìm hiểu trước về lịch sử, kiến trúc và ý nghĩa của các tháp./.