'Thắp ánh sáng' cho học sinh khiếm thị
Hành trình mang 'ánh sáng' đến với học sinh khiếm thị ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa thật đặc biệt. Khác với lớp học bình thường, ở đây cô trò đều không có bảng đen, phấn trắng, chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và cảm nhận tình cảm của nhau bằng trái tim yêu thương.
Cô giáo Nguyễn Thị Mạo (cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa) là một trong những giáo viên lâu năm tại trung tâm, có hoàn cảnh đặc biệt. Sinh ra như bao đứa trẻ khác, nhưng năm 1995 sau một biến cố đã khiến Mạo bị mù cả hai mắt. Lúc đó Mạo mới chỉ 17 tuổi. Ở độ tuổi với biết bao dự định, ước mơ, hoài bão và từ người sáng mắt, cuộc sống của Mạo đã thay đổi hoàn toàn.
“Lúc đầu bị mù, tôi sốc lắm và tự nhốt mình trong căn phòng. Thậm chí, có những lúc nghĩ quẩn muốn giải thoát bản thân bằng việc tìm đến cái chết. Tôi cứ suy nghĩ tiêu cực suốt 1 năm, nhưng chính sự yêu thương của người thân và thông qua tin tức trên tivi, sách báo, tôi biết thêm nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn tôi nhưng họ vẫn vươn lên. Vì vậy, tôi xác định không ai làm thay cuộc đời mình bằng sự nỗ lực của bản thân” - cô giáo Mạo tâm sự.
18 tuổi, Mạo tham gia vào Hội Người mù Thiệu Yên và được học chữ nổi (chữ braille) tham gia các hoạt động văn nghệ, học nghề... Cứ như vậy, Mạo nỗ lực phấn đấu vươn lên, gạt đi sự mặc cảm tự ti của người khuyết tật, quay trở lại học hết THPT, rồi học lớp giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Bởi, cũng là người khiếm thị, nên cô giáo Mạo luôn hiểu những thiệt thòi, mất mát và nỗi đau mà các em phải gánh chịu. Vì vậy, cô luôn tâm niệm dù có khó nhọc đến mấy cũng luôn kiên trì dìu dắt học sinh yêu thương.
“Trẻ khiếm thị không chỉ về các vấn đề về mắt mà có em còn bị các khuyết tật vận động, nhận thức và tư duy của các em không đồng đều. Vì vậy, tôi luôn yêu thương, kiên trì, nhẫn nại, vỗ về các em như người thân, từ đó giúp các em vượt qua tự ti, mặc cảm, hòa nhập với cuộc sống” - cô giáo Nguyễn Thị Mạo nói.
Đó cũng là tâm sự của thầy giáo Mai Hải Đăng, giáo viên dạy Tin học tại trung tâm. Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, thầy Đăng nói: “Sau nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, năm 2022 tôi về công tác tại trung tâm. Lần đầu tiên đến trung tâm, tôi không tránh khỏi tâm trạng lo lắng vì chưa bao giờ nghĩ có ngày dạy những học trò đặc biệt này. Thế nhưng, tận mắt nhìn thấy hoàn cảnh của các em rất đáng thương, tôi đã quyết tâm về dạy học nơi đây”.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, thầy Đăng gặp nhiều khó khăn vì học sinh khiếm thị không nhìn thấy, lứa tuổi lại khác nhau, trình độ nhận thức không đồng đều. Vì vậy, thầy đã chia ra nhiều mức độ khác nhau để truyền tải kiến thức cho các em. Theo thầy Đăng, đối với môn Tin học đặc thù, bước đầu thầy Đăng cho các em tiếp cận với bàn phím. Thầy cầm tay từng học sinh để hướng dẫn các em cách gõ từng con chữ và phần mềm đọc chữ dành cho người mù cũng là công cụ hỗ trợ thầy rất nhiều trong quá trình giảng dạy.
Không chỉ dạy chữ, mà thầy Đăng còn luôn gần gũi, đồng hành, chia sẻ và chỉ bảo các em từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Em Lê Văn Tự, xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) xúc động, nói: “Trước đây em không chơi với ai, cứ tha thẩn mò mẫm quanh nhà. Xuống đây được các thầy, cô giáo thường xuyên động viên, an ủi và dạy chữ braille, học đàn, học vi tính, học hát... em thấy cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều. Hàng ngày em được vui chơi với các bạn cùng trang lứa, cuộc sống không còn cô đơn nữa. Em cũng cố gắng học tập tốt để trở thành người có ích cho xã hội”.
Mặc dù công việc hàng ngày của giáo viên tại trung tâm rất vất vả. Trong hành trình đem “ánh sáng” cho trẻ khiếm thị, các thầy, cô ở trung tâm phải đảm nhận rất nhiều vai. Lúc là cô giáo trao truyền kiến thức, vừa chăm sóc như cha, mẹ, lại vừa chia sẻ, đồng hành như người bạn. Thậm chí, có những lúc vào vai bác sĩ khi các con bất ổn về tâm lý. Nhưng vượt lên tất cả khó khăn đó, các thầy cô giáo luôn gắn bó với nghề.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, trung tâm có 13 giáo viên giảng dạy từ lớp tiền hòa nhập đến lớp 5 theo chương trình giáo dục phổ thông trên giáo trình chữ braille, với 40 học sinh khiếm thị ở độ tuổi từ 7 - 17 tuổi. Các em đa số đều xuất phát từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh và một số tỉnh như: Nghệ An, Hòa Bình... Những năm qua, đội ngũ giáo viên không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, để dạy chữ, tin học và dạy nghề cho các em. Bằng nhiệt huyết, tình yêu thương, trách nhiệm, các thầy, cô giáo đã dìu dắt nhiều trẻ em khuyết tật tự tin vượt qua mặc cảm hòa nhập cộng đồng”.
Với những cống hiến lặng thầm của đội ngũ giáo viên nơi đây đã và đang viết lên câu chuyện đẹp về sự nghiệp trồng người, giúp các em học sinh khiếm thị thắp lên ánh sáng niềm tin về tương lai tốt đẹp.