Thao túng chứng khoán: Luật hóa để bảo vệ nhà đầu tư
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc chia sẻ với PV Báo Kinh tế & Đô thị về một số nội dung liên quan đến vấn đề luật hóa hành vi thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia trực tiếp trên TTCK Việt Nam khá cao, tạo nên sự khác biệt so với nhiều thị trường ở Mỹ hay châu Âu. Các nhà đầu tư cá nhân thường thiếu khả năng phân tích sâu về doanh nghiệp và từng cổ phiếu như các quỹ đầu tư. Thêm vào đó, tâm lý đầu tư lướt sóng “ăn ngay” khiến họ dễ bị lôi cuốn theo số đông. Đáng chú ý là, khi gặp phải thua lỗ nặng, những nhà đầu tư này lại đổ lỗi cho cơ quan quản lý về việc không cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tình trạng thao túng giá diễn ra trên thị trường.
Hiện, Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Trong đó, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trên thị trường chứng khoán để kiểm soát các vụ thao túng chứng khoán.
“Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi một số điều của của Luật Chứng khoán và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Trong đó, bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trên TTCK để kiểm soát các vụ thao túng chứng khoán”, quan điểm của ông từ góc nhìn của công ty chứng khoán về việc này như thế nào?
- Tôi cho rằng việc sửa đổi một số điều nhằm hoàn thiện thêm các quy định của pháp luật chứng khoán trong việc xác định rõ các hành vi bị cấm, kiểm soát các hoạt động thao túng trên TTCK là một việc rất cần thiết. Thậm chí, không chỉ dừng lại ở đây, tương lai còn có thể bổ sung thêm khi phát sinh những tình huống thực tế phức tạp khiến việc xử phạt gặp khó khăn khi định rõ tội danh của các đối tượng thao túng thị trường.
Trước đây các quy định về thao túng TTCK còn chưa được cụ thể, khiến quá trình điều tra và xác định rõ hành vi thao túng trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi khoảng cách giữa việc cá nhân đầu tư giao dịch hàng ngày với hành vi giao dịch chéo kiểm soát giá cổ phiếu và thao túng TTCK là khá mong manh. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu lực của pháp luật thì các quy định cụ thể hơn sẽ giúp việc xử lý các hành vi vi phạm được hiệu quả và rõ ràng hơn.
Thời gian gần đây, vi phạm pháp luật trên TTCK Việt Nam diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và cơ quan chức năng liên tục xử lý nhiều vụ án liên quan đến hành vi thao túng thị trường. Theo ông, việc luật hóa này sẽ góp phần giải quyết vướng mắc, những tồn tại trong hoạt động giao dịch và phát hành, chào bán chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam như thế nào?
- Với TTCK của mỗi quốc gia, việc duy trì môi trường kinh doanh minh bạch, kiểm soát chất lượng hàng hóa và kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK là vô cùng quan trọng. Điều này góp phần phát triển TTCK bền vững trong dài hạn, là nơi niêm yết của những doanh nghiệp có chất lượng cao, thu hút vốn đầu tư dài hạn của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, góp phần phát triển thị trường vốn phục vụ cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển lớn, đem lại giá trị cho xã hội và nền kinh tế.
Trong khi đó, mỗi thị trường non trẻ nào cũng phải kinh qua những giai đoạn phát triển ban đầu, nơi đầy rẫy những hành vi thao túng nhằm trục lợi cho nhóm lợi ích, việc này để lan rộng thì TTCK sẽ khó tránh khỏi việc tồn tại nhiều doanh nghiệp chỉ là bình phong để tạo ra những cuộc chơi đầu cơ, tháo túng, làm giá… mà cuối cùng thiệt hại lớn nhất thuộc về những nhà đầu tư trên thị trường.
Rất nhiều nhà đầu tư đã đến và rời khỏi TTCK với mất mát lớn về vật chất và niềm tin vào thị trường, để tồn tại những vấn nạn đó thì mục tiêu phát triển TTCK bền vững trong dài hạn là vô cùng khó khăn. Thị trường “nhiều năm không chịu lớn” vì doanh nghiệp bình phong không tạo ra giá trị mà chỉ là “cỗ máy xay thịt” các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nói điều đó để thấy việc cơ quan quản lý kiểm soát chất lượng thị trường là vô cùng quan trọng, nó là khởi nguồn để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK.
Có thể lấy ví dụ về một vài vụ án cơ quan quản lý làm rất quyết liệt, như vụ Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng”, xảy ra tại 3 doanh nghiệp là CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thường được biết đến là “họ APEC”, liên quan tới hệ sinh thái APEC Group. Hoặc vụ việc cựu Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt bị phạt 2 tỷ đồng vì thao túng thị trường chứng khoán.
Đình đám nhất có lẽ phải kể đến vụ án của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC trong vụ án thao túng TTCK và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại FLC và các đơn vị có liên quan vừa bị đưa ra xét xử. Ông Quyết đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros, tạo lập hồ sơ để niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS, bán cho NĐT, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng cùng nhiều lần giao dịch số lượng lớn cổ phiếu mà không công bố thông tin.
Ông có thể cho biết việc luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK liệu rằng có nằm trong lộ trình góp phần thúc đẩy việc nâng hạng thị trường vào 2025 không?
- Về việc này tôi, cho rằng mọi tổ chức đầu tư khi tham gia vào 1 TTCK thì điều họ luôn mong muốn là tính minh bạch của thị trường, chất lượng hàng hóa niêm yết, các sản phẩm dịch vụ tài chính phát triển, khả năng tiếp cận thông tin công bằng giữ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, sự chuyên nghiệp và hiệu lực cao của hệ thống pháp luật cho việc kiểm soát thị trường phát triển lành mạnh…
Nói thế để thấy tất cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều mong muốn TTCK nước ta đáp ứng được các yêu câu trên, không riêng gì các quỹ đầu tư chỉ số và các tổ chức xếp hạng thị trường. Chính vì vậy, trong lộ trình phát triển TTCK Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là điều chắc chắn phải làm.