Vĩnh Phúc chú trọng hạ tầng công nghiệp thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện điện tử phát triển bền vững

Vĩnh Phúc với vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng công nghiệp hiện đại, cùng chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, ngành sản xuất linh kiện điện tử đã phát triển mạnh mẽ. Hơn 200 doanh nghiệp, bao gồm nhiều tập đoàn lớn, đang hoạt động tại đây, cung cấp sản phẩm cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, tỉnh cũng đối mặt với thách thức đòi hỏi các chiến lược phát triển bền vững.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành sản xuất linh kiện điện tử trong tháng 8/2024 tăng 4,16%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành sản xuất linh kiện điện tử trong tháng 8/2024 tăng 4,16%.

Điểm sáng trong thu hút đầu tư sản xuất linh kiện điện tử

Là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc dễ dàng thu hút lao động chất lượng cao từ Hà Nội cũng như lao động khác từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống và làm việc.

Hơn nữa, nằm gần các trung tâm kinh tế lớn và hệ thống giao thông phát triển, giúp kết nối nhanh chóng với các thị trường trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là trong ngành sản xuất linh kiện điện tử.

Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 5.487,31ha. Trong đó có 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt là 3.168,02ha và có 3 khu công nghiệp đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tỉnh đã có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Cơ bản các khu công nghiệp được lấp đầy bởi các dự án đầu tư thứ cấp.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng trong việc thu hút đầu tư vào ngành sản xuất linh kiện điện tử. Với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng công nghiệp phát triển và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, tỉnh đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này, đặc biệt với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút vốn đầu tư FDI 9 tháng đầu năm đạt kết quả cao với tổng số vốn ước tính đạt khoảng 507,94 triệu USD (cấp mới cho 28 dự án với tổng vốn đầu tư 180,7 triệu USD; 30 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng 327,3 triệu USD), tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch năm (mục tiêu năm 2024 thu hút 400 triệu USD).

Trong đó có 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất linh kiện điện tử không chỉ là kết quả của chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả mà còn nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh. Trong những năm gần đây, hàng loạt các dự án sản xuất linh kiện điện tử đã được cấp phép và đi vào hoạt động, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng và thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn.

Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực: linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng, điện thoại di động, phần mềm...

Các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực: linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng, điện thoại di động, phần mềm...

Hiện tại, Vĩnh Phúc có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, trong đó nổi bật là các doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH Partron Vina (270 triệu USD), Công ty TNHH Heasung Vina (165 triệu USD), Công ty TNHH Power Logics Vina (100 triệu USD) và Công ty TNHH BH Flex Vina (61 triệu USD).

Các doanh nghiệp này chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, điện thoại di động, camera, và các sản phẩm công nghệ khác, sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại và tự động hóa ở nhiều công đoạn.

Đáng chú ý trong đó, Công ty Cổ phần Signetics đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại Vĩnh Phúc. Dự án này được dự kiến sẽ có quy mô vượt trên 50.000 m2 và tổng mức đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD.

Ngoài ra, ngày 11/9 vừa qua, dự án của Công ty TNHH Polaris Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD với mục tiêu tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác đã chính thức khánh thành, công suất dự kiến khoảng 30.000 sản phẩm/năm

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, duy trì được khả năng cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung và Google. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của Vĩnh Phúc trên bản đồ sản xuất điện tử của Việt Nam mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, ngành sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành sản xuất linh kiện điện tử trong tháng 8/2024 tăng 4,16% so với tháng trước và tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là kết quả của nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm từ các doanh nghiệp, ngay cả khi đối mặt với những khó khăn do biến động của kinh tế toàn cầu.

Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng như: Chính sách thu hút đầu tư hiệu quả; Hạ tầng công nghiệp hiện đại; Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; Nguồn lao động dồi dào và chất lượng; Tăng trưởng nhu cầu thị trường.

Thách thức và chiến lược phát triển

Tuy nhiên, trước những thuận lợi trên thì ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là sự phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự phụ thuộc này khiến chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn khi có những biến động về kinh tế hay chính trị toàn cầu. Khi giá nguyên liệu tăng hoặc khi có sự bất ổn tại các quốc gia cung cấp, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng từ các đối tác quốc tế.

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Vĩnh Phúc cần phát triển một chiến lược mạnh mẽ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nguyên liệu thay thế trong nước.

Và tuy có nguồn lao động trẻ dồi dào, ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Việc thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn cản trở khả năng đổi mới và phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm thu hút 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. (Ảnh minh họa)

Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm thu hút 292,3 triệu USD vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. (Ảnh minh họa)

Để khắc phục tình trạng này, Vĩnh Phúc cần tăng cường các chương trình đào tạo nghề, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhân tài từ các địa phương khác và quốc tế.

Với sự phát triển của ngành công nghiệp, chi phí lao động tại Vĩnh Phúc có xu hướng gia tăng, điều này gây áp lực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp cần tìm cách tối ưu hóa quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ tự động hóa để giảm thiểu chi phí lao động.

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư vào công nghệ cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính và sự sẵn lòng chuyển đổi.

Để thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Vĩnh Phúc phát triển bền vững, tỉnh đã đề ra một số chiến lược quan trọng như sau:

Tăng cường nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Chính quyền tỉnh tích cực kêu gọi đầu tư từ cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Việc phát triển các nhà cung cấp nội địa không chỉ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn cải thiện chuỗi cung ứng, tạo sự ổn định và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao: Vĩnh Phúc hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề cao. Các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng công nghệ thông tin, tự động hóa và quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp điện tử.

Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao: Tỉnh đang phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các dự án có giá trị gia tăng lớn và hàm lượng công nghệ cao. Những dự án này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của Vĩnh Phúc trên thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.

Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc chuyển giao công nghệ và áp dụng các giải pháp số hóa sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ đầu tư và cải cách thủ tục hành chính: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông và ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, các thủ tục hành chính sẽ được cải cách theo hướng công khai, minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh cũng sẽ chú trọng vào việc phát triển hạ tầng các khu công nghiệp và tạo mặt bằng sạch, tạo môi trường đầu tư hiệu quả và hấp dẫn.

Quỳnh Hoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vinh-phuc-chu-trong-ha-tang-cong-nghiep-thuc-day-nganh-san-xuat-linh-kien-dien-tu-phat-trien-ben-vung-388105.html
Zalo