Tháo nút thắt thể chế, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

Thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn, nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Chuyên gia dự báo, sang năm 2025, với những nút thắt thể chế được tháo gỡ sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh cho thị trường bất động sản.

Phân khúc nhà dưới 2 tỷ đồng gần biến mất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Phân khúc nhà dưới 2 tỷ đồng gần biến mất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

6 nhân tố tác động đến thị trường

Đánh giá về thị trường bất động sản (BĐS), TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, hiện nay thị trường đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước đây. Phân tích 6 nhân tố tác động đến thị trường BĐS, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá dịu dần; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ... trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Về yếu tố thể chế - pháp lý, vướng mắc về pháp lý đang dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện, nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách... được ban hành, làm cơ sở bước vào giai đoạn mới. Đồng thời, quy hoạch các cấp được hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì.

Tuy nhiên, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản so với bảng giá đất cũ. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2 - 7 lần so với bảng giá đất hiện tại.

Dự báo sẽ chuyển mình mạnh mẽ

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, sự khởi sắc của thị trường BĐS trong năm 2025. Theo ông Đính, thị trường này năm 2024 đã chuyển mình mạnh mẽ so với năm 2022, 2023. Sự chuyển mình này đến từ các gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, việc sửa đổi các luật, cùng chính sách khuyến khích đầu tư vào phân khúc BĐS công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng…

Lý giải về sự tăng giá mạnh của bất động sản thời gian qua, ông Đính cho rằng, một trong những nguyên nhân chính đến từ chênh lệch cung - cầu. Theo chuyên gia này, nhu cầu sở hữu BĐS đang rất mạnh, bị nén trong một thời gian dài. Nhu cầu không chỉ ở mà đầu tư cũng rất lớn.

"Thị trường bị kìm nén trong một thời gian dài do dịch bệnh, khủng khoảng, nguồn cung yếu. Thời điểm này là lúc bùng ra khi các dự án được đưa nhiều hơn vào thị trường" - TS. Nguyễn Văn Đính cho biết.

Ông Đính nhận định, sang năm 2025, với những nút thắt thể chế được tháo gỡ sẽ tạo ra sự "cởi trói" thúc đẩy mạnh cho thị trường BĐS. Nguồn cung tăng sẽ giúp giảm áp lực cung cầu, giá cả sẽ được điều chỉnh theo hướng tốt hơn./.

Tấn Minh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thao-nut-that-the-che-thuc-day-thi-truong-bat-dong-san-phat-trien-166378.html
Zalo