Tháo gỡ vướng mắc trong liên thông đào tạo
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Dự thảo Nghị định nói trên quy định chi tiết về liên thông giữa trình độ trung cấp với cấp THPT và giữa trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ) với trình độ đại học (ĐH); liên thông giữa các cấp học phổ thông, liên thông giữa các trình độ của giáo dục ĐH và liên thông giữa cấp THPT với trình độ ĐH được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ GDĐT ban hành; liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được thực hiện theo các quy định liên quan do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành. Theo đó, mục đích liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi. Đồng thời thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình.
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết và hợp lý. GSTS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM nhấn mạnh, nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống kinh tế - xã hội của quốc gia. Vì vậy, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân là hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội là đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Do tính đa dạng đó, sự phân công lao động trong xã hội là khách quan và tất yếu. Một xã hội có sự phân công lao động hợp lý sẽ giúp xã hội đó phát triển hài hòa và đáp ứng được các nhu cầu phát triển của xã hội đó.
PGS.TS Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nhất trí quan điểm cho liên thông giữa THPT và trung cấp nghề. Các môn thuộc khối kiến thức chung như: lý luận chính trị, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng và an ninh, ngoại ngữ... có thể được công nhận tạo điều kiện cho người học thuận lợi hoàn thành song song hai chương trình giáo dục. Ông Phượng cũng nhất trí với đề xuất của dự thảo về hình thức tuyển sinh đối với giáo dục liên thông. Cụ thể, tuyển sinh chung áp dụng cho tất cả thí sinh đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo. Tuyển sinh riêng áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu trình độ đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.
GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề là vấn đề cấp bách trong thời đại ngày nay. Có những ngành nghề mới xuất hiện và những công việc (ngành nghề) có thể bị thu hẹp. Mặt khác, do điều kiện cụ thể của từng cá nhân, việc sắp xếp tham gia học ở trình độ nào còn phụ thuộc quyết định của mỗi người. Ông Minh cũng nhấn mạnh, quyền được học tập ở trình độ cao hơn khi đáp ứng yêu cầu là quyền của công dân. Việc liên thông giữa các trình độ đào tạo của GDNN và giáo dục ĐH là phù hợp.
Theo các chuyên gia, nên có quy định chi tiết liên thông giữa các trình độ đào tạo của GDNN với các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH; đồng thời cần bổ sung phạm vi áp dụng đối với liên thông từ đại học lên trình độ thạc sĩ. Cơ sở đào tạo cần công bố rõ ràng về chuẩn đầu ra mà sinh viên cần đạt được sau khi hoàn thành chương trình.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng, không phải tất cả lĩnh vực, ngành, bậc học đều phải liên thông. Tuyển chọn đầu vào không phù hợp sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo, kéo theo hệ lụy trong tuyển dụng và sử dụng. Cần xác định rõ lĩnh vực, ngành, bậc học nào không được liên thông. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sức khỏe, để có hệ thống y tế vận hành đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đa dạng về ngành nghề và bậc đào tạo. Vì thế, không thể liên thông ngang - dọc tất cả, vì như vậy sẽ phá hỏng cấu trúc hệ thống, đồng thời không đảm bảo được chất lượng của nguồn nhân lực y tế.