Tháo gỡ vướng mắc trong liên thông đào tạo

Liên thông đào tạo đặc biệt cần thiết, nhất là trong xã hội khuyến khích học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: NTCC

Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, thực tế liên thông đào tạo còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Cần thiết liên thông

Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo Nghị định), GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội viện dẫn, tại khoản 1, Điều 10 Luật Giáo dục quy định, liên thông trong giáo dục là sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành, nghề đào tạo hoặc khi chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Còn tại khoản 3 Điều 10, Luật Giáo dục 2019 có giao “Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Tuy nhiên, liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với đại học, hiện được thực hiện theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này có căn cứ ban hành là Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 và Luật Giáo dục Đại học 2012; trong đó, khoản 3 Điều 9 Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 quy định:

“Liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.

GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, quyền được học tập ở trình độ cao hơn khi đáp ứng yêu cầu là quyền của công dân. Tham chiếu với các nước, trường cao đẳng cộng đồng đào tạo nghề cho mỗi người. Sau đó, họ có quyền và được khuyến khích nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng nhu cầu công việc cũng như của xã hội là việc làm đã có từ khá lâu và hiệu quả. “Do đó, đặt vấn đề liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là phù hợp”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương khẳng định, liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và các trình độ của giáo dục đại học rất cần thiết, nhất là các ngành đặc thù. Giai đoạn giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) người học được học nhiều kiến thức nền và kỹ năng thực hành cơ bản. Do vậy, liên thông lên đại học với các ngành đặc thù hợp lý và đảm bảo sự thống nhất trong nội dung học tập của người học.

 Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NTCC

Nên có quy định chi tiết

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đề xuất, nên có quy định chi tiết liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học; đồng thời cần bổ sung phạm vi áp dụng đối với liên thông từ đại học lên trình độ thạc sĩ.

Nhấn mạnh, nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống kinh tế - xã hội của quốc gia, GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác, nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội đa dạng, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội và làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

“Do tính đa dạng, sự phân công lao động trong xã hội là khách quan và tất yếu. Khi có sự phân công lao động hợp lý sẽ giúp xã hội phát triển hài hòa và đáp ứng được các nhu cầu phát triển của xã hội”, GS.TS Trần Diệp Tuấn nêu quan điểm, đồng thời phân tích, nguồn nhân lực có chất lượng là lực lượng đã thông qua đào tạo.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ nguồn nhân lực đã thông qua đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi quá trình tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng đặc biệt. Song, điều này sẽ tạo ra một số hạn chế nhất định đối với việc tuyển sinh, cũng như quá trình giáo dục và đào tạo liên thông.

Vì thế, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, không phải tất cả lĩnh vực, ngành, bậc học đều phải liên thông. Tuyển chọn đầu vào không phù hợp sẽ làm thay đổi chất lượng giáo dục và đào tạo, kéo theo hệ lụy trong tuyển dụng và sử dụng.

Vì thế, cần xác định rõ lĩnh vực, ngành, bậc học nào không được liên thông. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sức khỏe, để có hệ thống y tế vận hành đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đa dạng về ngành nghề và bậc đào tạo. Vì thế, không thể liên thông ngang - dọc tất cả, vì như vậy sẽ phá hỏng cấu trúc hệ thống, đồng thời không đảm bảo được chất lượng của nguồn nhân lực y tế.

Về ngành học, GS.TS Trần Diệp Tuấn cho rằng, không thể liên thông từ ngành y qua ngành dược hay ngược lại, cũng không thể liên thông lẫn nhau giữa bác sĩ y khoa với bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học cổ truyền hay bác sĩ y học dự phòng.

Tuy nhiên, về bậc học có thể liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hay cử nhân đại học đối với các ngành đào tạo cử nhân đại học nhưng không thể liên thông lên dược sĩ đại học hay bác sĩ. Có thể liên thông từ cử nhân đại học chính quy (một số ngành) lên dược sĩ đại học. Các ngành đào tạo cử nhân thì không thể liên thông lên bác sĩ.

Đề cập đến tuyển sinh đối với các chương trình liên thông được quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ, GS.TS Nguyễn Văn Minh tán thành với đề xuất, tuyển sinh chung (áp dụng cho tất cả thí sinh đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo) và tuyển sinh riêng (áp dụng cho thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu trình độ đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh).

Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội gợi mở, nên tổ chức một kỳ tuyển sinh chung dành cho tất cả đối tượng. Việc này tiết kiệm thời gian và chi phí, vì họ đã hoàn thành chương trình, trình độ cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu.

 Sinh viên chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề trên giảng đường. Ảnh: TG

Sinh viên chương trình chất lượng cao của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bảo vệ chuyên đề trên giảng đường. Ảnh: TG

Đảm bảo sinh viên đạt chuẩn đầu ra

Góp ý về tổ chức đào tạo liên thông, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đề xuất, cơ sở đào tạo cần quy định rõ ràng về đối tượng, điều kiện tuyển sinh cho chương trình liên thông.

Sinh viên phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ, bằng cấp hoặc chứng chỉ tương đương từ các cấp học hoặc ngành học trước đó. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các nội dung khác liên quan đến tuyển sinh được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đối với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Về chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, chương trình liên thông phải được thiết kế dựa trên chương trình chuẩn, đảm bảo sự tiếp nối về kiến thức và kỹ năng. Cơ sở đào tạo cần công bố rõ ràng về chuẩn đầu ra mà sinh viên cần đạt được sau khi hoàn thành chương trình.

Ngoài ra, quy định về việc công nhận tín chỉ hoặc miễn môn học từ các chương trình đào tạo trước cần được xác định cụ thể. Điều này bao gồm việc đánh giá tính tương đương của các môn học và quy trình công nhận tín chỉ do cơ sở giáo dục tổ chức liên thông thực hiện. Các cơ sở đào tạo cần có quy định về phương pháp giảng dạy, có thể bao gồm học trực tiếp, trực tuyến hoặc học kết hợp. Chương trình phải đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp nhu cầu người học liên thông.

Về thời gian đào tạo, TS Hoàng Ngọc Vinh góp ý, quy định về thời gian đào tạo chương trình liên thông phải đảm bảo phù hợp với lượng kiến thức, kỹ năng sinh viên cần học bổ sung. Thời gian học có thể được rút ngắn nếu sinh viên đã hoàn thành nhiều tín chỉ được công nhận. Khi kiểm tra và đánh giá, cần quy định rõ ràng về hình thức, phương pháp để đảm bảo sinh viên đạt được chuẩn đầu ra. Đánh giá có thể bao gồm bài kiểm tra, bài tập, dự án hoặc kỳ thi cuối kỳ.

Nếu chương trình liên thông giữa các trường khác nhau, cần có quy định về hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ sở đào tạo để đảm bảo sự thống nhất về chuẩn đầu ra và công nhận tín chỉ. Mặt khác, cơ sở đào tạo phải tuân theo các quy định về quản lý và giám sát chương trình đào tạo liên thông, bao gồm đảm bảo chất lượng, theo dõi tiến độ và hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học tập, cũng như lưu trữ dữ liệu sinh viên theo quy định.

Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 cũng quy định, liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương; liên thông giữa các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với đại học. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, với phạm vi rộng, thực tiễn việc liên thông giữa các ngành học, hình thức đào tạo, trình độ trong giáo dục đại học đang được thực hiện còn một số vướng mắc, nhiều điểm chưa rõ phạm vi, khó khăn trong thực hiện nên cần được tháo gỡ.

Chính vì thế, dự thảo Nghị định đề xuất, liên thông giữa các cấp học phổ thông, trình độ của giáo dục đại học và cấp THPT với trình độ đại học được thực hiện theo quy định liên quan do Bộ GD&ĐT ban hành. Liên thông giữa các trình độ của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo quy định liên quan do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành.

Mục đích liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân, đáp ứng yêu cầu thay đổi của công việc và nghề nghiệp. Mặt khác, thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo.

Qua đó, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Đồng thời, hình thành hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Dự thảo cũng quy định, việc thiết kế chương trình, tổ chức tuyển sinh và giáo dục, đào tạo liên thông phải bảo đảm các nguyên tắc: Thứ nhất, linh hoạt và hiệu quả: Người học được lựa chọn lộ trình, hình thức và thời gian học tập phù hợp nhất với trình độ, năng lực và điều kiện cá nhân; không phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã có.

Thứ hai, công bằng và chất lượng: Tất cả người học được tạo cơ hội học tập và đánh giá kết quả học tập công bằng dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng chung của chương trình giáo dục.

Thứ ba, đáp ứng nhu cầu xã hội: Giáo dục và đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu của người học, đồng thời phải căn cứ nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế - xã hội, định hướng phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề là vấn đề cấp bách trong thời đại ngày nay. Có những ngành nghề mới xuất hiện và những công việc (ngành nghề) có thể bị thu hẹp. Mặt khác, do điều kiện cụ thể của từng cá nhân, việc sắp xếp tham gia học ở trình độ nào còn phụ thuộc quyết định của mỗi người.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thao-go-vuong-mac-trong-lien-thong-dao-tao-post713826.html
Zalo