Áp lực bủa vây, thanh niên Trung Quốc từ chối hẹn hò, lối sống 'độc thân vui vẻ' lên ngôi
Lựa chọn sống độc thân một cách vui vẻ đang là lối sống được rất nhiều người trẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng tới.
Owen Cao, 22 tuổi, sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học ở miền Bắc Trung Quốc luôn trong tình trạng quá tải bởi chương trình học nặng nề, bài tập về nhà, công việc nghiên cứu, hoạt động tại các câu lạc bộ... Chàng trai trẻ chia sẻ, anh gần như không có thời gian cho những sở thích cá nhân và không mảy may suy nghĩ đến việc hẹn hò.
"Tôi cảm thấy ổn với tình trạng độc thân hiện tại và không chủ động tìm kiếm mối quan hệ, nhưng gặp được người phù hợp, tôi sẵn sàng thử", Owen Cao chia sẻ.
Ba người bạn cùng phòng của Cao cũng ở trong tình trạng tương tự, phản ánh một xu hướng đang khá phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc - ưu tiên công việc và phấn đấu sự nghiệp thay vì lựa chọn hẹn hò, kết hôn rồi sinh con như các thế hệ trước đó. Lựa chọn sống độc thân một cách vui vẻ đang là lối sống được rất nhiều người trẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hướng tới.
Một bài báo được công bố gần đây trên tờ China Population News thuộc Ủy ban Y tế quốc gia cho rằng, các trường đại học “đóng vai trò hàng đầu trong giáo dục hôn nhân và các mối quan hệ” và cần đưa các khóa học liên quan thành các lựa chọn tự chọn.
Bài báo đã gây ra một cuộc tranh luận trực tuyến gay gắt về việc liệu chính phủ có khả năng can thiệp vào việc lựa chọn hẹn hò của giới trẻ nhằm đối phó với những thách thức từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang ngày càng trầm trọng.
Ngày nay, sinh viên bậc đại học Trung Quốc đang phải gánh vác nhiều gánh nặng hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và triển vọng việc làm mờ nhạt.
Khi nhiều sinh viên cố gắng vượt qua một cây cầu hẹp hơn, giá trị của bằng đại học giảm xuống khiến không ít người trẻ lựa chọn tiếp tục theo đuổi bằng thạc sĩ hoặc thậm chí là tiến sĩ với hy vọng cải thiện triển vọng việc làm hay trì hoãn việc gia nhập thị trường việc làm.
Một cuộc khảo sát năm 2021 trên 14.000 sinh viên đại học của tờ China Youth Daily cho thấy, gần 70% sinh viên ở tình trạng độc thân, không có mối quan hệ hẹn hò nào. Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, con số này thậm chí còn cao hơn, đặc biệt là do tác động từ đại dịch Covid-19 cũng làm giảm cơ hội tương tác giữa các cá nhân.
Cuộc khảo sát gần đây của Khoa Hành chính công tại Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam cũng cho thấy 56,9% sinh viên Trung Quốc không có hứng thú với việc hẹn hò.
"Nhiều sinh viên thường dành một phần tư hoặc hơn trong 4 năm đại học để chuẩn bị cho các kỳ thi sau đại học hoặc công chức khi con đường đó cũng trở nên ngày càng cạnh tranh hơn", Owen Cao cho hay.
Với khối lượng bài tập lớn vào đầu năm học và các dự án cuối kỳ tập trung vào việc tốt nghiệp, sinh viên Trung Quốc hầu như không còn nhiều thời gian cho những công việc, thú vui khác.
"Nhiều người nói rằng bạn nên quản lý thời gian của mình thật tốt, nhưng thành thật mà nói, dù bạn có lên kế hoạch tốt đến đâu, bạn cũng không thể làm hết mọi việc. Năng lượng có hạn, vì vậy tôi phải cắt giảm những thứ khiến tôi kiệt sức nhất. Và điều đầu tiên phải cắt giảm là gì? Hẹn hò", một sinh viên chia sẻ.
Ông Li Ting, Giáo sư Nhân khẩu học tại Đại học Nhân dân, cho biết tư duy mặc định của những người trẻ ngày nay là tập trung vào việc kiếm tiền và đảm bảo việc làm, còn hẹn hò sẽ được coi là tùy chọn.
"Trước đây, xã hội lo ngại rằng hẹn hò sẽ khiến người dân mất tập trung vào công việc hoặc học tập, nhưng giờ đây quan niệm chung đã thay đổi", ông Li nói, đồng thời cho biết thêm, trước cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang ngày càng trầm trọng, tỷ lệ sinh liên tục giảm, xã hội đã dần nhận thức được những hệ lụy mà nó gây ra.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 1,4 tỷ người, giảm hơn 2 triệu người. Năm 2023, quốc gia này chỉ ghi nhận được 9 triệu ca sinh trên cả nước - con số thấp nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được công bố từ năm 1949.
Các chính sách được đưa ra ở cấp quốc gia và địa phương để khuyến khích sinh con vẫn chưa thể thay đổi tình hình, bị đánh giá là rời rạc vì không giải quyết được các vấn đề sâu xa hơn, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt cao, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và bất bình đẳng giới dai dẳng.
Năm 2024, Trung Quốc cũng ghi nhận số lượng đăng ký kết hôn thấp nhất kể từ năm 1980. Theo Bộ Nội vụ, trong 9 tháng đầu năm 2024, khoảng 4,75 triệu cặp đôi đã đăng ký kết hôn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi đạt đỉnh ở mức 13,47 triệu cặp đôi vào năm 2013, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm trong 9 năm liên tiếp và đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022.
Yuan Xin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc và là Giáo sư Nhân khẩu học tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân, cho biết, những người trẻ ngày nay cũng có nhiều cách thay thế để tìm kiếm niềm vui và sự viên mãn, ngoài tình yêu và hôn nhân.
"Đó là sự cạnh tranh giữa thế giới ảo và thế giới thực. Chỉ cần một kết nối internet hoặc Wifi, con người ta đã có thể kết nối với toàn bộ thế giới", ông nói.
Ông Yuan Xin nhận định, sự phụ thuộc của giới trẻ vào internet trở nên lớn hơn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là với các lớp học trực tuyến. Sau 3 năm, sinh viên đã hoàn toàn quen với cuộc sống trực tuyến, khiến việc hẹn hò ngoài đời thực trở nên phức tạp hơn".
Ngoài ra, theo chuyên gia này, xã hội cũng đang ngày càng khoan dung, cởi mở hơn với tư duy "không kết hôn, không có con".
“Trước đây, có một tâm lý đám đông mạnh mẽ cho rằng mọi người đều kết hôn, vì vậy họ cũng sẽ kết hôn. Phần lớn đều không thực sự nghĩ về lý do tại sao họ phải kết hôn. Nhưng bây giờ, những người trẻ tuổi dường như đang thức tỉnh và họ thấy điều đó thật sự phiền phức”, ông Yuan nói.