Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì, điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Theo các đại biểu, cùng với việc Đảng ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết sẽ không chỉ tháo gỡ những “nút thắt” mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thật sự trở thành động lực cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tính “đầu ra” cho các nghiên cứu khoa học
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, để thúc đẩy phát triển nhanh KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phải có cơ chế để đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ cho KHCN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hiện nay, quy định của pháp luật chưa có hoặc mới chỉ đề cập chung chung; các trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng vẫn còn rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể.
Để tháo gỡ cơ chế này, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung một hoặc một số điều quy định cụ thể trong Nghị quyết về trình tự, thủ tục, đặc biệt trong đầu tư kết cấu hạ tầng KHCN bằng nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài nhà nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về cơ chế tài chính, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị dự thảo Nghị quyết không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà cần xem xét bỏ tất cả quy định liên quan đấu thầu trong nghiên cứu KHCN để chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi.
Cho ý kiến việc bảo đảm “đầu ra” của các nghiên cứu KHCN trong nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng cần bổ sung chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu KHCN trong nước.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi Nghị quyết được chuẩn bị trong một thời gian ngắn, cho nên tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội, về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, giải quyết được các vấn đề cấp bách.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh Duy Linh)
Được biết, với Nghị quyết, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan.
Bổ sung vốn phát triển hệ thống đường cao tốc quốc gia
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với 461/461 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 100% đại biểu tham gia biểu quyết và chiếm 96,44% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trong phiên làm việc chiều qua, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày: VEC cần huy động số vốn lớn để đầu tư mới các tuyến cao tốc, đầu tư mở rộng các dự án đang quản lý (giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 14.890 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 30.500 tỷ đồng); tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án là rất gấp rút, sau khi được bổ sung vốn điều lệ, VEC sẽ đủ điều kiện để huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư dự án.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng số vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư dự án với số tiền 36.689 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2024-2026 là 38.251 tỷ đồng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh thống nhất về sự cần thiết như Tờ trình của Chính phủ, đề nghị giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện, bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 cho VEC; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả, không làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước; xử lý các vấn đề liên quan quản lý, sử dụng, hạch toán, kế toán, phương án bảo toàn và phát triển vốn khi bổ sung vốn điều lệ cho VEC từ nguồn vốn này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất với việc bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 để tạo điều kiện cho VEC phát triển bền vững, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động đầu tư, quản lý khai thác, vận hành đường bộ cao tốc, nhằm thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và chủ trương phát triển một số tập đoàn nhà nước có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả.
Chiều qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày các tờ trình về: cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại đoàn về các nội dung này.
Ngày làm việc hôm qua, qua thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đại biểu Trần Quốc Nam (Đoàn Ninh Thuận) cho biết, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước. Từ khi có Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, hơn 15 năm qua, Đảng bộ, nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế, sẵn sàng cho dự án được triển khai. Nhân dân vùng lõi dự án với gần 1.300 hộ, gần 5.000 nhân khẩu cần di dời luôn sẵn sàng bàn giao nhà, đất để thực hiện dự án.
Bên cạnh 7 chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Quốc Nam đề xuất bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế, nhất là về giải phóng mặt bằng, di dời bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án.
Dẫn ý kiến cử tri rất quan tâm về dự án, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) lưu ý, dự án phải đối mặt nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng như vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị; và cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bộ trưởng cho biết, sau phiên thảo luận, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.