Nội địa hóa công nghiệp ô tô Việt: Khi doanh nghiệp nội phát huy tự cường, tự chủ

Bên cạnh những chính sách mới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình của các doanh nghiệp nội từng bước bắt kịp xu thế toàn cầu, đặc biệt là việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong đầu tư, công nghệ, sản xuất và chế tạo.

Thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt

Trong Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Công Thương, mục tiêu đặt ra với thị trường xe Việt đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.

The Dự thảo, tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước được đặt mục tiêu sẽ chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện đối với những linh kiện nội địa hóa được, các doanh nghiệp Việt chủ yếu làm các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như: ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn... Phần lớn linh kiện yêu cầu hàm lượng chất xám, hàm lượng kỹ thuật cao đều phải nhập khẩu; các cụm linh kiện phức tạp hiện nay doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng chưa sản xuất được.

Về dây chuyền sơn, một số công ty lớn đầu tư dây chuyền sơn khá hiện đại như Toyota, Mercedesbenz, Trường Hải,... với đầy đủ các công đoạn sơn nhúng điện ly bên trong (lớp lót), sơn phun tĩnh điện hoặc sơn phun áp lực bên ngoài. Nguồn: Thaco.

Về dây chuyền sơn, một số công ty lớn đầu tư dây chuyền sơn khá hiện đại như Toyota, Mercedesbenz, Trường Hải,... với đầy đủ các công đoạn sơn nhúng điện ly bên trong (lớp lót), sơn phun tĩnh điện hoặc sơn phun áp lực bên ngoài. Nguồn: Thaco.

Một số công ty khác do công suất lắp ráp nhỏ nên không đầu tư dây chuyền sơn mà đi thuê sơn của các công ty đã đầu tư. Trước mắt đây cũng là giải pháp tình thế hợp lý cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô để tiết kiệm đầu tư.

Về xưởng sản xuất và lắp ráp xe, hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp xe lớn đều đảm bảo về diện tích mặt bằng cho các nhà xưởng lắp ráp xe, kiểm tra, hệ thống đường thử xe mô phỏng địa hình. Về kiểu dáng xe các doanh nghiệp này đều đảm bảo đủ hồ sơ thiết kế cho từng chủng loại xe, không vi phạm bản quyền về sở hữu công nghiệp và có hợp đồng chuyển giao công nghệ từ các nhà sản xuất uy tín của nước ngoài. Sau khi lắp ráp các xe xuất xưởng đều có bộ hồ sơ kiểm tra được lưu giữ trên hệ thống máy tính của nhà máy.

Các công ty hiện nay cũng rất quan tâm đến đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng. Toyota Việt Nam, Công ty Trường Hải, VinFast đã đầu tư công đoạn dập tấm để dập các chi tiết vỏ xe, thân xe, thay vì nhập khẩu.

Tại Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đã lên tới 70% với một số dòng xe. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Thaco đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa - composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.

Bên cạnh đó Trường Hải còn cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên một số công ty nước ngoài khi đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng ở Việt Nam còn hạn chế do bị điều tiết bởi chiến lược phát triển của công ty mẹ trong việc phân bố thị trường sản xuất linh kiện phụ tùng có lợi nhuận cao nhất. Do vậy việc đầu tư sản xuất phụ tùng của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn và có thể nói là không đáng kể so với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô.

Đến cuối 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe.

Có thể thấy số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực chất chủ yếu là doanh nghiệp CNHT của Việt Nam, tham gia vào quá trình sản xuất lắp ráp ô tô còn rất ít. Theo số liệu của Cục Công nghiệp với dòng xe cá nhân, hiện nay mới có chưa tới 80 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc, trong đó, có 18 nhà cung cấp cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Con số này quá nhỏ bé nếu so với gần 2.000 nhà sản xuất linh kiện tại Thái Lan và 1.000 tại Indonesia.

Doanh nghiệp Việt từng bước phát huy tinh thần tự cường

Cách đây hơn 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu phát triển. So với các nước khác trong khu vực thì Việt Nam muộn hơn khoảng hơn… 30 năm. Những viên gạch đầu tiên của ngành chính thức được “xây” vào năm 1991 trong khi các nước khác đã rất phát triển. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho Việt Nam. Có vô vàn các câu hỏi đặt ra: Làm sao để cạnh tranh, tăng nôin địa hóa, sản xuất trong nước, làm sao để phát triển, làm sao vươn ra tầm thế giới?

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm: Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn; Phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Phát triển công nghiệp ôtô trên cơ sở bình đẳng giữa sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường; Phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đã có nhưng trải qua một thời gian dài, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ phát triển khá nhanh trong 5 năm trở lại đây.

Bước ngoặt đáng chú ý trong những năm qua đó là Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 11/2022/TT-BKHCN về việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022. Quyết định này có tính bước ngoặt bởi nó cần thiết với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.

Nhìn lại trong quá khứ, doanh nghiệp Việt thực tế đã có những “ngôi sao” đầu tiên trong ngành, nêu bật tinh thần sáng tạo, tự chủ và không thiếu tham vọng.

Vào năm 2004, hai công ty là ô tô Trường Hải và ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cùng được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đầu năm 2004, Vinaxuki đã tiến hành xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên tại huyện Mê Linh (Hà Nội) với công suất 20.000 xe/năm. Trong giai đoạn 2006-2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi; sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về giảm xuống còn 0%, nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xe không xuất khẩu được. Điều này có thể dẫn đến tương lai gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Để bắt kịp xu thế, Vinaxuki đã tiếp tục đầu tư cho các dự án lớn: Sản xuất ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và nhận chuyển giao công nghệ thiết kế thân vỏ xe và xây dựng một trung tâm thiết kế các sản phẩm ô tô. Nhưng đáng tiếc là tham vọng này chỉ đi được nửa chặng đường do các gánh nặng nợ nần chồng chất và chiến lược sai lầm khiến Vinaxuki mất khả năng hoạt động kinh doanh. Từ đi đầu trong đẩy mạnh nội địa hóa, Vinaxuki rơi vào thảm cảnh, trong khi các doanh nghiệp lắp ráp ô tô lại “sống khỏe”.

Còn Trường Hải sau thời gian dài vẫn trung thành với mảng kinh doanh chính là liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô của các thương hiệu lớn như Mazda, Kia, Peugeot … tại Việt Nam. Với kinh nghiệm mấy chục năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đến nay đang là một tên tuổi lớn trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô trên thế giới.

Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) được thành lập năm 1997, từ một công ty nhỏ kinh doanh chủ yếu là nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại để cung cấp ra thị trường, đồng thời cung cấp các vật tư phụ tùng cho việc sửa chữa ô tô.

Năm 2001, Thaco tiến hành đầu tư một nhà máy lắp ráp ô tô tại khu Công nghiệp Biên Hòa 2. Dây chuyền sản xuất và công nghệ do Tập đoàn Kia Motors (Hàn Quốc) chuyển giao, các sản phẩm được sản xuất lắp ráp là xe tải nhẹ và xe bus mang thương hiệu Kia. Tháng 9/2001, sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng mang tên Thaco đã được thị trường chấp nhận và luôn kín đơn đặt hàng.

Với tham vọng phải phát triển quy mô sản xuất đủ lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như: Toyota, Mitsubishi, Honda... năm 2003 chính là bước ngoặt của Thaco khi quyết định từ bỏ những gì vừa xây dựng ở Biên Hòa để dời nhà máy về Khu kinh tế mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2003.

Thaco được hưởng nhiều ưu đãi thuế mà ít doanh nghiệp có được (5% cho 9 năm hoạt động đầu tiên từ 2004-2012 và 10% cho 15 năm sau đó).

Từ năm 2004, Thaco đã nghiên cứu, sản xuất lắp ráp xe bus, đồng thời liên tục đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động R&D, nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, có thể nói Thaco là nhà sản xuất xe bus hàng đầu Việt Nam với các sản phẩm đa dạng, được thiết kế theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và đã cung cấp cho thị trường hơn 17 ngàn xe bus (từ 2005 đến nay), chiếm 65% thị phần.

Tháng 9/2024, tại cảng Chu Lai (Quảng Nam), Thaco Auto tiếp tục vừa xuất khẩu lô thân xe sơn màu và linh kiện xe Kia New Carnival sang Kia Ấn Độ. Đây là lô hàng đầu tiên theo Hợp đồng hợp tác sản xuất và xuất khẩu được hai bên ký kết trước đó với tổng doanh thu gần 50 triệu USD. Trước đó, tháng 6/2024, Thaco Auto đã sản xuất và đưa các bộ thân xe sơn màu và linh kiện xe Kia New Carnival mẫu sang thị trường Ấn Độ để sản xuất, thử nghiệm. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu về công nghệ, tiêu chuẩn, chất lượng, được đối tác Kia Ấn Độ đánh giá cao.

Từ năm 2012 đến nay, nhà máy Thaco Kia được Tập đoàn Kia lựa chọn là đơn vị đào tạo, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn quy trình công nghệ sản xuất cho nhiều doanh nghiệp lắp ráp CKD thương hiệu Kia ở Ecuador, Pakistan, Myanmar, Ấn Độ, Uzbekistan…

Trong khi đó, mới đây công ty TC Motor cũng đang củng cố những điều kiện cần thiết để xuất khẩu ô tô sang các thị trường khu vực, thể hiện qua việc mở rộng sản xuất, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai với công suất lên đến 100.000 xe/năm. Tại khu vực ASEAN, Hyundai hiện chỉ có một nhà máy tại Indonesia. Do đó, TC Motor hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu một số dòng xe sang nhiều quốc gia trong khối. Khi tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe bán chạy như Grand i10, Accent đạt mức 40%, TC Motor có thể xuất khẩu xe sang các nước ASEAN hưởng thuế suất 0%, theo Hiệp định AFTA.

Trong số các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, nổi bật thời gian gần đây là cái tên VinFast. Với sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí có thể nói là “thần tốc”, hãng sản xuất ô tô nội địa Việt lần đầu tiên vừa công bố thông tin về tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm ô tô điện VinFast. Theo VinFast, hiện tỷ lệ nội địa hóa của xe điện của hãng đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe, giảm xóc.

VinFast vừa công bố tỉ lệ nội địa hóa lên đến 60% và trong 2 năm tới sẽ tăng tới hơn 80%.

VinFast vừa công bố tỉ lệ nội địa hóa lên đến 60% và trong 2 năm tới sẽ tăng tới hơn 80%.

Vấn đề đáng nói là không giống như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, ngay từ những ngày đầu thành lập, VinFast đã xác định không đi theo con đường lắp ráp thông thường mà trở thành một nhà sản xuất ô tô theo đúng nghĩa. Với con đường này, VinFast có thể thúc đẩy mạnh mẽ được sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.

Trước một thực tế là khi những hãng sản xuất ô tô ngoại vào Việt Nam như Toyota, Isuzu, Hyundai, Daewoo, Ford từ những năm 1990, nhà đầu tư nào cũng cam kết đạt khoảng 30% nội địa hóa sau 10-15 năm, cam kết chuyển giao công nghệ, xuất khẩu. Trên cơ sở những cam kết đó, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp những ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm ô tô và coi như đấy là một trong những cú hích đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Nhưng trên thực tế phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do các nhà sản xuất này mang từ bên ngoài vào Việt Nam, và được hưởng ưu đãi như họ. Với ưu đãi như vậy, các ngành phụ trợ ở Việt Nam không thể có cơ hội phát triển được khi các doanh nghiệp Việt vẫn chịu mức thuế cao hơn, ban đầu là 25%, sau đó 22%, rồi 17% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thì được ưu đãi 10%. Tuy nhiên, VinFast đã tạo ra một bước đột phá mới.

Bước ngoặt của VinFast vừa qua là bước đệm cần thiết, là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc và phần nào đã thành hiện thực để viết tiếp “giấc mơ” sản xuất ô tô Việt vươn tầm thế giới.

Bước ngoặt của VinFast vừa qua là bước đệm cần thiết, là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu xuất khẩu ô tô nguyên chiếc và phần nào đã thành hiện thực để viết tiếp “giấc mơ” sản xuất ô tô Việt vươn tầm thế giới.

Mặc dù so với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô còn khá nhỏ bé nhưng đánh giá trên phương diện tích cực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, dư địa lớn, vì vậy hoàn toàn có điều kiện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan 0% với ô tô trong khu vực ASEAN vẫn là cơ hội lớn, doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cần tận dụng triệt để để đẩy mạnh xuất khẩu.

Sân chơi “nội địa hóa” theo chiến lược của VinFast còn được mở rộng khi hãng xe Việt đã dành ra hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp nhà máy để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam.

Đến nay, hãng xe Việt đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng của ô tô điện như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong nhà máy VinFast hiện có các xưởng dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc. Đây là một thành tựu đáng chú ý trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn non trẻ nhưng đang dần khẳng định vị thế và tinh thần tự lực, tự cường trong xu thế mới.

Nam Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/noi-dia-hoa-cong-nghiep-o-to-viet-khi-doanh-nghiep-noi-phat-huy-tu-cuong-tu-chu.htm
Zalo