Tháo gỡ rào cản, điểm nghẽn trong quản lý, điều hành ngân sách địa phương
Chiều 17/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Các đại biểu đánh giá Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn trong điều hành ngân sách ở địa phương.

Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì thảo luận. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến vào Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công...
Chủ trì thảo luận, đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá nhiều thay đổi trong Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn trong quá trình điều hành ngân sách ở các cấp, đặc biệt là đối với chính quyền địa phương. Dự thảo luật đã làm rõ nhiều khái niệm chưa được giải thích rõ trong luật cũ như vấn đề chi viện trợ, chi nợ lãi, trả nợ gốc, kết dư ngân sách…
Về nguyên tắc cân đối ngân sách địa phương, Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã nới mức dư nợ vay so với thu ngân sách của địa phương. Nếu trước đây chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có quy định riêng với mức dư nợ có thể được 60% thì nay quy định chung đối với tất cả địa phương không nhận hỗ trợ trong cân đối ngân sách Trung ương lên tới 120%. Đối với địa phương nhận cân đối ngân sách từ Trung ương, mức dư nợ vay cũng tăng từ 20% lên 80%.
“Điều này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương huy động được các nguồn vốn để đáp ứng đầu tư phát triển, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Tôi cho rằng Chính phủ đang đủ điều kiện về ngân sách, dự trữ quốc gia để bảo đảm thực hiện được quy định trên”, đại biểu Lê Văn Hiệu đánh giá.
Về nguyên tắc phân bổ ngân sách, đại biểu Lê Văn Hiệu đánh giá Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã chỉ rõ hơn các đối tượng ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi theo đúng tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Dự thảo luật cũng tháo gỡ được một rào cản, điểm nghẽn trong quá trình điều hành ngân sách ở địa phương. Đó là không còn quy định không được thay đổi tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách”. Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa nguyên tắc phân cấp, đặc biệt là phân định rõ nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Tham gia vào Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa nguyên tắc phân cấp, đặc biệt là phân định rõ nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền. Điều này sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong phát triển kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro tài khóa và cân đối tài chính vĩ mô.
Đại biểu Sơn cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát và bổ sung các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả giải ngân và sử dụng ngân sách nhà nước. Nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định về thẩm quyền thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm hạn chế sự phân tán và bảo đảm quản lý hiệu quả ngân sách nhà nước…
Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung các lĩnh vực văn hóa, thể thao là ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư công; quy định về quy mô, tổng mức đầu tư dự án tại địa phương được bố trí vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương phù hợp với thực tiễn về quy mô của các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao; quy định định mức hỗ trợ hoạt động hàng năm đối với các thiết kế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị bổ sung các lĩnh vực văn hóa, thể thao là ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đề nghị bổ sung lĩnh vực văn hóa, thể thao là một nhóm lĩnh vực được phép đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời điều chỉnh quy mô tổng vốn đầu tư đối với một dự án văn hóa, thể thao được đầu tư theo phương thức đối tác công tư phù hợp với thực tế và điều kiện kinh tế -xã hội của địa phương...
Cần cơ chế đặc biệt khuyến khích nhập quốc tịch Việt Nam để cống hiến
Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Hiệu đề nghị cần có cơ chế đặc biệt để khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia và những người yêu nước, trở về Việt Nam nhập quốc tịch để để cống hiến, xây dựng đất nước. Cơ chế đặc biệt này có thể bao gồm các ưu đãi về nhà ở, đất đai và các vấn đề liên quan đến đời sống của những người muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
“Nếu không thể đưa các ưu đãi này vào Luật Quốc tịch, Chính phủ cũng cần có cơ chế đặc biệt riêng để hỗ trợ những người này, nhất là đối với các chuyên gia, những nhà khoa học, những người Việt Nam ở nước ngoài yêu nước muốn trở về Việt Nam để cống hiến”, đại biểu Lê Văn Hiệu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ hơn một số quy định trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Cũng tham gia vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga,Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dươn đề nghị làm rõ hơn, bổ sung cụ thể một số quy định.
Đó là về quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, đại biểu Nga cho rằng chưa rõ mức độ biết tiếng Việt là ở trình độ nào, cơ quan, tổ chức nào đánh giá và sử dụng công cụ nào để kiểm tra… Đại biểu đề nghị bổ sung quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đạt trình độ tiếng Việt từ bậc 2 trở lên theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài và được đánh giá thông qua kỳ thi tại các cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thời gian thường trú tại Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch vẫn chưa rõ ràng đó là thời gian phải liên tục hay tính cả thời gian ngắt quãng.
Đại biểu đề xuất 2 phương án. Đó là nếu yêu cầu thường trú liên tục thì quy định rõ yêu cầu là người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thời gian thường trú liên tục tại Việt Nam trong 5 năm liền kề trước thời điểm nộp đơn.
Phương án 2 là quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tổng thời gian thường trú tại Việt Nam ít nhất là 5 năm trong vòng 7 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ, trong đó có ít nhất 12 tháng thường trú liên tục ngay trước khi nộp đơn. Những trường hợp đặc biệt thì có thể giao Chính phủ quy định.