Tháo gỡ nợ lương cán bộ y tế

Tình trạng nợ lương (mức lương mới theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP) của nhiều đơn vị diễn ra vào cuối năm 2024. Hiện, còn một vài cơ sở y tế nợ lương tháng 12/2024 hoặc chưa thực hiện truy lĩnh quý IV 2024.

 Tìm cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm tăng nguồn thu là giải pháp lâu dài ở các cơ sở y tế (Trong ảnh: Người dân điều trị nội trú tại TTYT quận Phú Xuân)

Tìm cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm tăng nguồn thu là giải pháp lâu dài ở các cơ sở y tế (Trong ảnh: Người dân điều trị nội trú tại TTYT quận Phú Xuân)

Nhiều nguyên nhân

Lương cơ sở được tăng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ song thời điểm tháng 10/2024, nhiều bệnh viện công lập do Sở Y tế quản lý chưa thực hiện chi trả lương theo mức lương mới như đã nêu.

Theo lý giải của Sở Y tế, có nhiều nguyên nhân. Nguồn kinh phí chi trả mức lương cơ sở mới của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, gồm: Nguồn cải cách tiền lương, nguồn thu từ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương. Đối với nguồn cải cách tiền lương, do năm 2023 đã huy động chi trả phụ cấp ưu đãi nên gần như không còn. Kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ y tế ở mức lương 1.800.000 đồng theo Thông tư 22/2023/TT-BYT. Vì vậy, nguồn kinh phí từ giá dịch vụ y tế để chi trả mức lương cơ sở mới hầu như không có.

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác tác động, như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị y tế chưa được đầu tư, sửa chữa quy mô khó thu hút người dân đến khám, chữa bệnh (KCB). Các đơn vị y tế chuyên sâu thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn tạo nên sức hút và sự lựa chọn dịch vụ người bệnh khá lớn.

Từ năm 2022, ngành y tế được giao 1.555 vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách, 1.448 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Việc giao cho ngành y tế tự chi trả lương cho 1.448 vị trí việc làm được cho là quá cao so với năng lực thực tế của ngành (cao hơn từ 120 -150 vị trí việc làm).

Do thiếu lương và các khoản phụ cấp theo lương cuối năm 2024, ông Hồ Văn Thời công tác tại Trạm Y tế xã Lâm Đớt, huyện A Lưới từng viết đơn gửi đến Báo Huế ngày nay. Ông Thời giãi bày: “Cả nhà sống dựa vào một nguồn lương cán bộ y tế nên cứ tới tháng là trông ngóng chi trả tiền vay ngân hàng, sinh hoạt gia đình. Vợ mình ốm đau, bản thân mình đợi cuối năm phải phẫu thuật chân, đành vay tiền bên ngoài. Anh em ở các trạm y tế các xã gần đây có người thân ốm đau, nghe nợ lương là lo lắng vô cùng. Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được lương tháng 12/2024”.

Bà Phạm Thị T. Th., cán bộ một trạm y tế thuộc quận Thuận Hóa trải lòng, 29 năm trong nghề chưa khi nào có tình trạng nợ lương như vậy; những cặp vợ chồng làm trong cùng đơn vị sẽ rất vất vả xoay xở khi nguồn thu nhập bị thiếu hụt. Bản thân bà Th. cho hay còn nuôi mẹ già đau ốm. May là chồng bà còn có lương ổn định, cuối năm nhìn vào đó để tính toán, cân đối các khoản trong chi tiêu, sắm sửa Tết.

Bà Th. bày tỏ: “Tôi cùng nhiều đồng nghiệp vẫn chưa nhận lương tháng 12/2024 và truy lĩnh quý IV năm 2024 theo Nghị định 73/2024. Mong lãnh đạo ngành có thông tin và phản hồi lý do vì sao và khi nào thì có thể chi trả các khoản này”. “Có nơi đã nhận được truy lĩnh quý IV và lương tháng 12, có nơi thì được truy lĩnh tháng 10. Tôi không hiểu, cùng ngành nhưng mỗi nơi mỗi khác. Hỏi lãnh đạo đơn vị thì nghe chờ phản hồi từ cấp trên”, bà Th. tâm tư.

Tìm giải pháp lâu dài

Tháng 10/2024, Sở Y tế có văn bản xin cấp bổ sung 66,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Sau khi được bổ sung đã chuyển kinh phí về cho các đơn vị đang thiếu hụt để chi trả.

Câu chuyện nợ lương đến thời điểm này được giải quyết về cơ bản, song cũng để lại dư âm với nhiều cán bộ, đặc biệt đối với các đơn vị không còn nguồn cải cách tiền lương như thời gian vừa qua. BSCKII. Nguyễn Thị Hoài Phương, Giám đốc TTYT quận Phú Xuân bộc bạch rất áy náy với anh chị em nhân viên khi đơn vị chưa chi trả dứt điểm phần lương còn thiếu tháng 12 và truy lĩnh quý IV theo Nghị định 73. “Ngoài báo cáo chờ được cấp phần thiếu hụt, đơn vị cũng xoay xở tìm cách tăng nguồn thu qua việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật KCB”, BS. Phương nói.

Sau sáp nhập với Nam Đông, TTYT Phú Lộc hiện có 3 cơ sở KCB và hơn 500 cán bộ y tế, nguồn nhân lực tăng lên nhiều so với trước. Tìm hướng chi trả lương cho năm 2025, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc TTYT Phú Lộc trải lòng rằng rất áp lực nhưng phải cố gắng: “Trong hội nghị cán bộ viên chức quý I này, chúng tôi sẽ đánh giá nguồn thu, tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn chi lương tiếp theo. Trước mắt, phải nâng cao chất lượng hoạt động nhằm thu hút người dân đến KCB”.

Dưới góc độ quản lý, từ đầu năm, Sở Y tế đã rà soát năng lực tự chi trả lương của từng đơn vị nhằm có sự phân bổ vị trí việc làm và ngân sách khoa học, hợp lý. Trước đó, Sở đã trình HĐND tỉnh (nay là thành phố) điều chỉnh cho ngành 120-150 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn ngân sách thay vì từ nguồn thu sự nghiệp phù hợp với năng lực thực tế hiện có của ngành y tế. Đề xuất quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị y tế hiện đại đồng bộ cho các cơ sở của ngành cũng như xin thông qua giá dịch vụ KCB theo mức lương cơ sở mới, đảm bảo có nguồn thu chi trả lương.

Theo ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế, đơn vị thiếu hụt chi trả lương sẽ chi theo nguồn bổ sung lương của các cấp có thẩm quyền (đang chờ phản hồi). Sở đã tổng hợp số liệu, đánh giá tự chủ về vị trí việc làm, tự chủ tài chính; khi chuyển các TTYT về cho các địa phương quản lý về mặt nhà nước sẽ có sự chủ động, phối hợp từ đầu. Để tình trạng nợ lương không tái diễn, về lâu dài, cơ sở y tế phải nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng cơ bản hạ tầng thiết bị, đặc biệt tuyên truyền rộng rãi các danh mục kỹ thuật nổi bật để thu hút người dân đến KCB theo phân tuyến ban đầu…

Bài, ảnh: L. Tuệ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/thao-go-no-luong-can-bo-y-te-150876.html
Zalo