Nhiều công trình kè kiên cố bị sóng đánh nứt toạc, Quảng Ngãi ứng phó ra sao?
Dọc dài các công trình kè biển kiên cố được xây dựng chống sạt lở ở Quảng Ngãi đã không trụ vững trước những đợt triều cường. Từng đoạn thân kè nứt toạc và lan rộng mỗi ngày.
Nhiều tuyến kè trăm tỷ bị sóng đánh hỏng
Những ngày qua, tại khu vực bờ biển Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, từng đợt sóng đánh mạnh vào bờ gây sạt lở nghiêm trọng. Những đoạn đất liền phút chốc bị sóng cuốn trôi, xâm thực vào sâu bên trong. Những hàng dương liễu, dừa được người dân trồng để chắn gió, ngăn sạt lở lộ ra phần gốc chênh vênh.

Triều cường đánh mạnh vào bờ gây nên tình trạng sạt lở bờ biển xã Tịnh Kỳ.
Cách đó không xa, thân kè với mái ta luy kiên cố cũng không trụ vững trước những con sóng cao từ 2-3m. Dù tuyến kè mới đầu tư đưa vào sử dụng không lâu nhưng nay bị sóng đánh bể toạc, gãy làm đôi. Nhiều điểm gãy tạo ra khe hở rộng từ 20-30cm.
Ghi nhận cho thấy, chân kè có dấu hiệu sụt lún, mỗi đợt sóng đánh vào bờ, nỗi lo sạt lở lại hiện ra rõ hơn. Những khối đá hộc được trát vữa chắc chắn đã tách rời nhau ra.
Nhiều người dân địa phương cho biết, hiếm khi nào ra Giêng mà biển vẫn sóng biển vẫn lớn như vào mùa mưa bão. Từ đầu tháng Chạp đến nay biển liên tục nổi sóng.
Ông Nguyễn Văn, nhà gần bờ biển cho biết, ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn nên tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Khu vực bờ kè xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy, với chiều dài khoảng 15m, rộng 0,2-0,3m, sâu 1m. Với đà này nếu không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn.
"Mong tỉnh sớm có giải pháp khắc phục và xây kè đoạn còn lại để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân", ông Văn kiến nghị.

Thân kè chống sạt lở bờ biển Tịnh Kỳ bị sóng biển đánh bể toạc.
Được biết, trước đó vào năm 2022, Quảng Ngãi đưa công trình kè biển Tịnh Kỳ vào sử dụng với chiều dài 1.050m. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng kỹ thuật, ổn định đời sống cho khoảng 130 hộ dân trong khu vực.
Tương tự, tại xã An Phú, TP Quảng Ngãi, tuyến kè biển dọc theo làng chài này cũng đang trong tình trạng bị sóng biển đánh gây ra hư hỏng. Dù cách bờ khoảng 30cm, những khối bê tông chắn sóng được dựng lên nhưng cũng không thể ngăn được những đợt sóng lớn.
Hệ lụy là nhiều vị trí tuyến kè có vốn đầu tư 85 tỷ đồng đã không trụ vững. Có vị trí sóng đánh làm sập đường bê tông phía bên trong, biển xâm thực sâu vào đất liền gây ra nỗi lo sạt lở ảnh hưởng đến hàng chục ngôi nhà phía bên trong.
Ngoài các tuyến kè kiên cố bị hư hỏng do triều cường xâm thực, dọc bờ biển Quảng Ngãi cũng đang đối diện với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đơn cử như khu vực bờ biển xã Bình Thuận (Bình Sơn), nhiều năm qua liên tục xảy ra sạt lở.
Biển ngoạm sâu vào đất liền đe dọa tuyến đường giao thông quanh công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất.

Một ngôi nhà gần cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn bị sóng đánh hư hỏng, chủ nhà chuyển đi nơi khác, không dám ở.
Hay dọc theo cửa biển Sa Cần cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nhiều công trình hạ tầng và nhà dân bị sóng đánh sụp. Người dân trong vùng lo lắng sạt lở tiếp diễn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng nhân dân.
Khẩn cấp khắc phục tạm thời, lên kế hoạch xây kè kiên cố
Trước thực trạng bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng làm thiệt hại về tài sản và kết cấu các tuyến kè biển, tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục.
Tại bờ biển An Phú, để đảm bảo an toàn tuyến kè Nghĩa An, TP Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên sử dụng bao tải đổ đầy cát chắn lấp.
Dù hàng nghìn bao cát được xếp chồng lên nhau khá kiên cố nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài không thể trụ vững trước triều cường xâm thực. Để bảo vệ các tuyến kè cũng như có giải pháp lâu dài nhằm an dân, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp căn cơ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, đã chỉ đạo UBND xã Tịnh Kỳ và TP Quảng Ngãi thực hiện bảo trì công trình theo các quy định về xây dựng, khắc phục xử lý ngay hư hỏng và gia cố thêm để bảo vệ khóa đầu kè công trình kè bờ biển thôn Kỳ Xuyên.

Bờ kè xã An Phú bị sóng đánh sạt lở hư hỏng, chính quyền dùng những bao tải đổ đầy cát xếp chồng lên nhau để ngăn sạt lở.
Đối với đoạn chưa xây kè đang sạt lở, giao UBND TP Quảng Ngãi chủ động cân đối, bố trí kinh phí đầu tư dự án trong khả năng ngân sách thành phố; trường hợp vượt khả năng cân đối vốn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí đầu tư dự án.
Đối với sạt lở bờ kè Nghĩa An, ông Hiền đề nghị chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình sạt lở, bố trí lực lượng xung kích để kịp thời ứng phó. Về lâu dài, tỉnh xác định đây là việc khẩn cấp phải làm ngay nên tỉnh sẽ cân đối, xem xét và đầu tư, khắc phục kiên cố để đảm bảo an toàn.
Riêng với sạt lở tại cửa biển Sa Cần, tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn khoảng 95 tỷ đồng xây dựng tuyến kè dài 1.600m để bảo vệ hàng chục ngôi nhà đang có nguy cơ bị sóng đánh sập.