Tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai cho doanh nghiệp nhỏ

Đất đai từ lâu đã được ví như 'mạch sống' đối với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tiếp cận quỹ đất sạch, giá thuê hợp lý vẫn là rào cản lớn cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp này.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, tháo gỡ hiệu quả điểm nghẽn về đất đai - yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nhỏ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tại xã Chính Nghĩa (Kim Động), công ty cổ phần Dinh dưỡng Quảng Lộc đang sử dụng 1,8 héc-ta đất để sản xuất thức ăn chăn nuôi với sản lượng mỗi năm hơn 50 nghìn tấn. Do quy mô sản xuất ngày càng lớn, nhu cầu về mặt bằng để bảo quản nguyên liệu, thành phẩm là rất cấp thiết.

Ông Lê Quý Oánh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Quảng Lộc cho biết: Năm 2022, công ty đã đề nghị các cấp có thẩm quyền để mở rộng thêm khoảng 2 héc-ta đất phục vụ sản xuất nhưng do thời gian thực hiện các thủ tục hành chính kéo dài, nhiều quy trình nên đến nay việc mở rộng sản xuất vẫn chưa được thực hiện. Nếu tháo gỡ được "nút thắt" đất đai, chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất cũng gặp khó khăn vì thiếu mặt bằng phù hợp. Anh Phùng Xuân Cát, một hộ dân sản xuất tái chế nhựa tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) đã có thâm niên gần 20 năm gắn bó với nghề. Cơ sở của anh mỗi tháng sản xuất khoảng 50 - 60 tấn sản phẩm nhựa tái chế. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động sản xuất hiện nay vẫn phải tiến hành trong khu dân cư, diện tích chật hẹp, thiếu an toàn và không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Anh Cát chia sẻ: Vì là cơ sở sản xuất nhỏ, nhu cầu mặt bằng của gia đình tôi chỉ khoảng 500 - 600 mét vuông. Mặt khác, việc huy động nguồn vốn của những cơ sở nhỏ lẻ như chúng tôi khó khăn, không phải cơ sở nào cũng đủ chi phí để thuê mua mặt bằng rộng và đầu tư nhà xưởng bài bản. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ về mặt bằng phù hợp và chi phí hợp lý để sản xuất bền vững.

Không chỉ có hộ anh Cát, thực tế tại thôn Minh Khai hiện nay có hơn 100 hộ dân đang sản xuất tái chế nhựa trong khu dân cư. Các điều kiện sản xuất chật hẹp, nguy cơ gây ô nhiễm và cháy, nổ luôn thường trực.

Ông Phùng Văn Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Minh Khai cho biết: Người dân làm nghề rất cần được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất riêng biệt, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm bố trí quỹ đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân chuyển ra khu sản xuất tập trung.

Với trọng tâm là tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết 68 nêu rõ: Trong năm 2025, phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, không phù hợp; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh hiện hành. Đồng thời, việc tiếp tục cắt giảm mạnh các thủ tục rườm rà trong những năm tiếp theo cũng được đặt ra. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là trong vấn đề tiếp cận đất đai.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, tỉnh sẽ có 50 cụm công nghiệp (CCN). Tính đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 24 CCN với tổng diện tích hơn 1.148 héc-ta. Trong đó, 16 CCN đang thực hiện giải phóng mặt bằng, 11 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 5 CCN đã tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp. Đây sẽ là nguồn cung mặt bằng cho phát triển sản xuất quan trọng, giúp doanh nghiệp nhỏ tháo gỡ khó khăn về đất đai. Tiêu biểu như CCN Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân với quy mô 75 héc-ta đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư.

Hạ tầng Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân (Kim Động) được đầu tư hoàn thiện

Hạ tầng Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân (Kim Động) được đầu tư hoàn thiện

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Ban xây dựng và quản lý dự án, Công ty Cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh - đơn vị đầu tư hạ tầng CCN, cho biết: Hiện nay, hạ tầng CCN cơ bản đã hoàn thành. CCN đã thu hút hơn 40 nhà đầu tư vừa và nhỏ. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ các thủ tục hành chính như đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh cho nhà đầu tư thứ cấp. Một điểm sáng khác là CCN Minh Khai (Văn Lâm) với quy mô hơn 35 héc-ta, cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó phần lớn là các cơ sở sản xuất ở địa phương. Tỉ lệ lấp đầy tại CCN này đã đạt 30%. Việc hình thành cụm công nghiệp này không chỉ giúp giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất, mà còn góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất trong khu dân cư, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy, nổ.

Việc quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng CCN, cùng với chủ trương mạnh mẽ từ Nghị quyết 68 đang tạo ra bước chuyển căn bản về chính sách đất đai cho doanh nghiệp nhỏ. Đây là cơ hội để hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh có điều kiện tiếp cận đất đai hợp pháp, phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh một cách bền vững. Nghị quyết 68 không chỉ là kỳ vọng mà đang dần trở thành hiện thực nếu được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Với quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc của các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ từng bước gỡ bỏ được nút thắt đất đai, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/thao-go-diem-nghen-ve-dat-dai-cho-doanh-nghiep-nho-3181431.html
Zalo