Tháo gỡ 'điểm nghẽn', tạo động lực để phát triển nhanh, bền vững

Sáng 16/1, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị định hướng một số nội dung phản biện xã hội đối với các dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

Chủ trì Hội nghị có GS,TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật; bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam).

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Góp ý tại Hội nghị, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cho rằng, đây là 3 dự thảo Luật lớn quan trọng cần được tập trung hoàn thiện để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với chủ trương thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật phát biểu tại Hội nghị.

Nêu ý kiến, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, các dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc sửa đổi hai dự thảo Luật quan trọng này nhằm đáp ứng được mục đích sắp xếp bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội nghị.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội nghị.

Trên cơ sở khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, cụ thể hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các chủ trương, định hướng trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, đảm bảo sự thông suốt, thống nhất của nền hành chính Nhà nước.

Liên quan đến dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, cần làm tập trung tháo gỡ những "điểm nghẽn" về thể chế, hạ tầng và nhân lực để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng tới việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực hiệu quả, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội phát biểu tại Hội nghị.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội phát biểu tại Hội nghị.

TS. Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa – Xã hội cũng khẳng định, việc sửa đổi 3 dự thảo Luật quan trọng này chính là đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Đặt vấn đề cần đổi mới tư duy và quy trình xây dựng pháp luật, TS. Chức đề nghị việc sửa đổi các dự án Luật phải hướng tới vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” trong xây dựng pháp luật.

Cùng với đó, việc sửa đổi đối với 3 dự thảo Luật phải hướng tới việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu, quy trình hoạch định chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Tại hội nghị nhiều ý kiến cũng tán thành việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện đầy đủ quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhất là cơ chế kiểm soát, phân công, phối hợp thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm tính pháp quyền trong xây dựng, thi hành pháp luật; về thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, lập quy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp; về phát huy dân chủ, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) các ý kiến đề nghị phải thể hiện và làm rõ nguyên tắc đẩy mạnh phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm”. Việc phân định rõ nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp sẽ góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, chuyên nghiệp, hiện đại.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội phát biểu tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, sau hội nghị này, ngày 20/1, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Hội nghị phản biện đối với 3 dự thảo Luật quan trọng này sẽ được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Trung ương trụ sở UBTƯ MTTQ Việt Nam tới 63 điểm cầu địa phương.

Vũ Mạnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thao-go-diem-nghen-tao-dong-luc-de-phat-trien-nhanh-ben-vung-10298406.html
Zalo