Tháo gỡ cơ chế cho điện LNG: Bài học từ Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4

Việc phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 mang lại những bài học thực tiễn quan trọng, tạo cơ sở cho các kiến nghị nhằm tháo gỡ các rào cản đối với ngành điện LNG trong quá trình dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Công nhân lao động trên công trường xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 (tỉnh Đồng Nai).

Công nhân lao động trên công trường xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 (tỉnh Đồng Nai).

Nhiều thách thức, khó khăn khi triển khai

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 đặt tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, công suất 1.624MW. Đây là dự án nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, có công nghệ (turbine khí) hiện đại do GE (Hoa Kỳ) cung cấp với công suất và hiệu suất cao nhất hiện nay. Dự kiến khi chính thức phát điện thương mại, dự án sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Được triển khai từ năm 2017, dự án này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam sử dụng khí LNG nhập khẩu trong sản xuất điện mà còn phản ánh những thách thức về cơ chế, tài chính và thủ tục pháp lý.

Hiện tại, nhà máy đang chuẩn bị cho quá trình đốt lửa lần đầu vào quý IV-2024 và toàn bộ dự án dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại vào năm 2025. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam xây dựng hai nhà máy cùng lúc. Tuy nhiên, mặc dù thành công về mặt kỹ thuật và xây dựng, dự án gặp phải nhiều trở ngại liên quan đến thủ tục pháp lý và cơ chế.

Một trong những thách thức lớn nhất là thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý kéo dài. Từ việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), mua bán khí (GSA), đấu thầu EPC cho đến thu xếp vốn và xây dựng, quá trình này mất tới 8 năm. Trong đó, riêng phần thủ tục pháp lý đã tiêu tốn đến 2/3 tổng thời gian triển khai dự án. Điều này cho thấy, cần phải có cơ chế chính sách và tạo hành lang pháp lý hợp lý để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả cho các dự án điện LNG khác.

Thay vì sử dụng mô hình project finance (mô hình tài trợ dự án), đối với Nhơn Trạch 3 và 4, PV Power áp dụng một mô hình kinh doanh khác, chủ yếu dựa vào việc sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế mà không cần bảo lãnh của Chính phủ. Mô hình này khác biệt so với các dự án trước đây, trong đó các doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường dựa vào bảo lãnh Chính phủ để thu hút vốn vay.

Phó Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Duy Giang cho biết, những hợp đồng vay vốn cho dự án là những hợp đồng đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam vay tín dụng xuất khẩu, không có bảo lãnh của Chính phủ. Trước đây, tất cả dự án điện đều có bảo lãnh Chính phủ. PV Power đã dùng những nguồn lực hiện có để đẩy được dự án và bảo đảm được khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, việc đàm phán PPA và GSA gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá LNG trên thị trường quốc tế. Đồng thời, mặc dù quy chế tài chính của dự án được Chính phủ phê duyệt nhưng không được bảo lãnh cho vay nước ngoài khiến PV Power cũng gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Từ bài học thực tiễn đến việc sửa đổi Luật Điện lực

Từ những khó khăn mà Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 gặp phải, PV Power đã đưa ra các kiến nghị thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, rào cản, đóng góp vào Luật Điện lực sửa đổi để phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án điện khí trong tương lai.

Thống kê thực tế cho thấy, thời gian đầu tư cho một nhà máy điện kể từ lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho tới khi hoàn thành kéo dài từ 6 đến 8 năm. Trong trường hợp Chính phủ không bảo lãnh vốn vay thì tổng thời gian có thể lên tới 10 năm. Do đó, việc lập quy hoạch, kế hoạch cần đi trước khoảng 10 năm để bảo đảm tính khả thi và triển khai theo kịp tiến độ.

Theo kinh nghiệm từ dự án, các doanh nghiệp cho rằng thời gian 6 tháng quy định trong dự thảo Luật Điện lực sửa đổi cho việc chuẩn bị, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi là không thực tế, nên kéo dài lên 14 tháng, bao gồm cả thời gian cần thiết cho việc chủ đầu tư phê duyệt và trình các cơ quan chuyên môn thẩm định.

Một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện gặp phải là việc thu xếp vốn do không có bảo lãnh Chính phủ. Do đó, cần có các cơ chế tín dụng hoặc bảo lãnh Chính phủ để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính quốc tế tham gia và hỗ trợ vốn cho các dự án điện khí, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Cuối cùng, việc có Qc (cam kết sản lượng hợp đồng) dài hạn trong các hợp đồng mua LNG có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu không có Qc có thể dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất điện và gây rủi ro lớn cho các dự án LNG trong tương lai. Việc cam kết sản lượng sẽ giúp đơn vị phát điện có cơ sở để thu xếp và mua LNG dài hạn, bảo đảm nguồn cung ổn định và giá thành sản xuất hợp lý.

Từ những thách thức, khó khăn của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ đưa ra hướng đi cần thiết để tháo gỡ các rào cản trong ngành điện khí LNG Việt Nam. Và từ những thực tiễn này để có hướng mở đường cho các dự án tiếp theo; đóng góp tích cực vào Luật Điện lực sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện khí trong tương lai, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững cho ngành điện cũng như bức tranh tổng thể năng lượng quốc gia.

Hồng Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thao-go-co-che-cho-dien-lng-bai-hoc-tu-nha-may-dien-nhon-trach-3-va-4-684548.html
Zalo