Tháo gỡ bất cập trong hoạt động quảng cáo

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (10/2024).

Làm rõ trách nhiệm của người làm quảng cáo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang triển khai các hội nghị, hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Theo nghiên cứu của VCCI, khoảng 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được người có ảnh hưởng đề xuất. Ảnh: Hoàng Tuyết

Theo nghiên cứu của VCCI, khoảng 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được người có ảnh hưởng đề xuất. Ảnh: Hoàng Tuyết

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiển cho biết: Trước những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số bất câp, cần kịp thời sửa đổi, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa và đề cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…

Theo Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, điểm sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo Luật là đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân này. Thực tế, tiếp thị sử dụng người có ảnh hưởng (KOL), người tiêu dùng chủ chốt (KOC) đang ngày càng phổ biến, có tác động lớn đến hành vi của người tiêu dùng. Kết quả điều tra cho thấy, có đến 79% số người tiêu dùng mua hàng sau khi được KOL đề xuất.

Bên cạnh đó, Điều 15a của dự thảo Luật đưa ra quy định “các cá nhân này chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu” là cần thiết để duy trì môi trường quảng cáo lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung các điều khoản làm rõ trách nhiệm của chủ thể trong hoạt động quảng cáo.

Khi quảng cáo, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng, không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác trong các thông tin được cung cấp. Do đó, bên cạnh quy trách nhiệm pháp lý cho các cá nhân này, phải phân hóa trách nhiệm cụ thể giữa các chủ thể liên quan đến hoạt động quảng cáo.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các nhãn hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, tài liệu cung cấp cho người có sức ảnh hưởng KOL, KOC.

Các cá nhân người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm phải đảm bảo sự phù hợp với các nội dung được doanh nghiệp cung cấp.

Đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định để thống nhất trách nhiệm của Bộ VHTTDL, tổ chức xã hội nghề nghiệp về quảng cáo, UBND cấp tỉnh liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quảng cáo, xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về quảng cáo.

Cụ thể, bộ, ngành xây dựng chính sách, kế hoạch, khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý trong hoạt động quảng cáo; ban hành và công bố Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; thanh tra, kiểm tra… Tổ chức nghề nghiệp xã hội về quảng cáo xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cấp cơ sở về quảng cáo trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quảng cáo của Bộ quy định.

Về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, số lượng quảng cáo hàng năm là lớn, nhu cầu được thẩm định các sản phẩm quảng cáo cũng tăng cao. Hội đồng thẩm định của Bộ VHTTDL khó có thể thẩm định hết các sản phẩm quảng cáo, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Điều này có thể sẽ để lại “khoảng trống nhu cầu” thẩm định của các doanh nghiệp.

Dẫn kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực điện ảnh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Điều 21 của Luật Điện ảnh năm 2023 đã quy định cho phép doanh nghiệp được tự thực hiện phân loại phim khi đáp ứng một số điều kiện nhất định. Quy định này, để vừa giảm tải gánh nặng thẩm định phim cho cơ quan quản lý Nhà nước, vừa tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc đổi mới cơ chế thẩm định sản phẩm quảng cáo theo hướng phân cấp cho hiệp hội.

Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trần Hùng đề nghị cần giao Hiệp hội Quảng cáo hoặc các hiệp hội ngành nghề tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo. Hội đồng thẩm định của hiệp hội sẽ phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật. Các chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu thẩm định lại trong trường hợp nhận thấy sản phẩm quảng cáo có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo. Bộ VTHTDL sẽ tổ chức thẩm định lại sản phẩm quảng cáo; kết luận thẩm định này sẽ là kết luận cuối cùng, được sử dụng trên toàn quốc.

Quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt nam đến năm 2030. thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, phát triển mạnh mẽ, gia tăng về số lượng, chất lượng và doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

Minh Tuệ/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/thao-go-bat-cap-trong-hoat-dong-quang-cao-20240830103744549.htm
Zalo