Tháo 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công

Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là 'điểm nghẽn' làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận nhà đầu tư, khởi công dự án nhưng tiến độ triển khai còn chậm.

 Đẩy nhanh tiến độ các dự án sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Đẩy nhanh tiến độ các dự án sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Một trong những điểm sáng của tỉnh trong năm 2023 chính là công tác giải ngân vốn đầu tư công, khi mà nhiều DA trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ các DA này giúp kết cấu hạ tầng tại nhiều địa phương được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), các DA chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp... Ngoài ra, nhiều DA trọng điểm của tỉnh cũng đảm bảo tiến độ và có tỷ lệ giải ngân cao.

Năm 2024, trong bối cảnh tỉnh nỗ lực sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6 mới đây, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 25/6/2024 giải ngân được 2.035,054 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 32,5% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc là 22,3%. Cụ thể: Vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 27,2% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương trong nước đạt 40,1% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương nước ngoài (ODA) đạt 54,9% kế hoạch.

Dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn mặt bằng chung của cả nước, tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa như kỳ vọng”.

Ngay tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui điểm tên các chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí rất thấp. Vậy, lý do gì tạo trở lực cho công tác giải ngân vốn đầu tư công?

Ông Nguyễn Đại Vui cho rằng, tiến độ thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng vẫn còn rất chậm, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Huế. Nhiều công trình thi công dang dở, kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đến đời sống của người dân trong vùng DA. Công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu của một số DA còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, dẫn đến việc chậm khởi công một số công trình.

“Một số nhà thầu có năng lực hạn chế, cho nên khi triển khai DA trong thực tế gây ra nhiều khó khăn. Do vậy, các cơ quan liên quan cần có giải pháp kiểm soát lại, đặc biệt là công tác quản lý chất lượng công trình”, ông Nguyễn Đại Vui nói tại phiên họp.

Phân tích của ông Vui chỉ là những lát cắt điển hình trong nhiều hạn chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, bởi thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trở lực khác.

Đó là việc một số DA không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập DA, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung, thiết kế cho phù hợp với thực tế, dẫn đến việc phải tạm dừng thi công để thực hiện điều chỉnh như, DA Nạo vét và gia cố các thủy đạo sau cống thoát lũ kết hợp giao thông do Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư; việc hoàn thiện các thủ tục liên quan đến quy hoạch, môi trường, phòng cháy, chữa cháy cũng ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư của một số DA khởi công mới…

Nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm của tỉnh là điều đáng ghi nhận, song, để hoàn thành kế hoạch trong năm 2024 cần nhiều hơn sự quyết liệt. “Trong 6 tháng cuối năm có đến 3 tháng mùa mưa, do vậy các địa phương, chủ đầu tư cần nỗ lực cao hơn”, ông Vui nói.

Thời gian qua, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại các kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh, nhiều nghị quyết liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời từ DA giải ngân chậm sang DA có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định đã được thông qua. Đây là cơ sở, điều kiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, trong đó cần tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời.

Tại buổi kiểm tra thực địa các DA do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông làm chủ đầu tư vào giữa tháng 6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định, qua nhiều lần kiểm tra, chỉ đạo, có thông báo kết luận, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đến nay là chưa đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ các công trình. Công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình tổ chức thực hiện cho thấy vẫn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị.

Ngoài công tác giải phóng mặt bằng, các cơ quan liên quan cho rằng, cần làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện DA, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của DA ngay sau khi được giao kế hoạch vốn hằng năm, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Lựa chọn những cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn, phẩm chất tổ chức tốt và tinh thần trách nhiệm để thực hiện kế hoạch triển khai đầu tư vốn đầu tư công…

Đại diện Kho bạc Nhà nuớc cho rằng, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư, ban quản lý DA cần thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng, không dồn khối lượng cuối năm. Ngoài ra, thực hiện mở tài khoản đối với các DA mới, DA chuẩn bị đầu tư ngay sau khi giao vốn, cấp ngân sách.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, để thoát khỏi những “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả 4 tổ công tác giám sát, quản lý DA đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, DA đầu tư trên địa bàn. Tiếp tục rà soát các DA chậm tiến độ xử lý theo Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 của HĐND tỉnh và tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các DA vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh sẽ theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc cam kết tiến độ giải ngân cho từng DA thuộc kế hoạch đầu tư công. Rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các DA triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thao-diem-nghen-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-142869.html
Zalo