Cấp phép mỏ cho tư nhân khai thác, không cẩn thận lại lợi dụng bán ra ngoài

'Thủ tục làm rất nhanh, nhưng không cẩn thận lại lợi dụng, dùng cho công trình quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường', ông Nguyễn Khắc Định lưu ý.

Ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề lập quy hoạch khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng viện dẫn dự thảo luật xây dựng theo 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 giao Bộ TN&MT lập quy hoạch khoáng sản. Còn phương án 2, giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản.

Theo ông Tùng, phương án 1 có thuận lợi là đồng bộ với quản lý quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sau này. Nhưng phương án này lại thay đổi chức năng, việc phân công trách nhiệm quản lý theo pháp luật hiện hành.

Ông Tùng cho rằng, đây là vấn đề lớn, nên phải đánh giá kỹ xem tại sao trước đây giao vậy, giờ lại chuyển đổi.

Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản nhóm 4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, đây là nội dung mới về cải cách thủ tục hành chính, nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục so với quy định hiện hành.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QH

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Định cũng lo ngại về tình trạng lạm dụng về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án, công trình quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nên tách hai khái niệm thăm dò và khai thác khoáng sản. "Hai lĩnh vực này khác nhau, có lĩnh vực gắn với nhau, thăm dò xong thì ưu tiên khai thác, nhưng có ông chỉ thăm dò không khai thác, đây là một thực tế", ông Định cho hay.

"Cấp phép mỏ cho tư nhân, cuối cùng họ khai thác xong, mình lại đi mua với giá cắt cổ, trong khi đất của mình, mỏ của mình... Thủ tục làm rất nhanh, nhưng không cẩn thận lại lợi dụng, dùng cho công trình quốc gia thì ít mà bán ra ngoài thì nhiều, rồi phá đường, phá hạ tầng, phá môi trường", ông Nguyễn Khắc Định lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có kiểm soát và nghiên cứu để quy định về khai thác chặt chẽ hơn, yêu cầu phải theo quy hoạch, có thời hạn phù hợp với quy mô của mỏ.

"Trước đây tôi làm lãnh đạo tỉnh, họ bảo anh ơi luật cho 2 năm, chúng em cấp 2 năm. Tôi bảo tôi chỉ cấp 6 tháng, mỏ này bé tí, khai thác cát cấp cho 2 năm thì đào luôn cả lòng sông. Cho nên phải theo quy hoạch và phải theo trữ lượng, thậm chí chỉ cấp 1 tháng", ông Định kể.

Vấn đề nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là việc kiểm soát sản lượng khai thác và sử dụng. "Lúc ở tỉnh, tôi bảo ông đào đâu thì đào, ông làm ở tỉnh để làm công trình quốc gia, nếu ông đào đem bán ra ngoài là tôi không đồng ý".

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ông Định đề nghị làm sâu sắc thêm, báo cáo rõ thêm với Quốc hội. "Nếu ông có quyền khai thác là tôi vẫn thu tiền. Ông khai thác nhiều tôi thu nhiều, phải thu tiền trên cơ sở trữ lượng", ông Định cho hay

Liên quan đến Điều 104, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về khu vực đấu giá, khu vực không đấu giá trên một số cơ sở nguyên tắc luật định. Tức là công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm lợi ích lâu dài của quốc gia, cân đối lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư và của người dân nơi có mỏ.

"Khu vực nào đấu giá, khu vực nào không đấu giá, có thể giai đoạn này thì khu vực này cho, khu vực kia không cho để đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia, môi trường, lợi ích của doanh nghiệp và của người dân", ông Định nêu rõ.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cap-phep-mo-cho-tu-nhan-khai-thac-khong-can-than-lai-loi-dung-ban-ra-ngoai-post1663120.tpo
Zalo