'Thanh xuân đất Việt' – Khi nhạc truyền thống thắp lửa tuổi trẻ

'Thanh xuân đất Việt' không chỉ là chương trình tổng kết năm học, mà còn là một hành trình âm nhạc chạm tới trái tim, gợi nhắc tinh thần dân tộc, truyền thống và khát vọng tuổi trẻ trong một không gian nghệ thuật đậm bản sắc Việt.

Tối 14/4, tại Phòng Hòa nhạc nhỏ – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chương trình hòa nhạc “Thanh Xuân Đất Việt” đã diễn ra trang trọng và đầy cảm xúc, quy tụ 45 học sinh lớp Hòa Tấu Huế (Trung cấp 4/6 và 2/4) cùng sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên: NSƯT Nguyễn Ngọc Quyền, NSƯT Ngọc Anh, ThS Hương Giang, ThS Hồng Hạnh và ThS Vũ Thùy Linh. Đây là sự kiện đặc biệt nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), đồng thời đánh dấu một năm học nhiều ý nghĩa của thầy trò khoa Âm nhạc truyền thống.

Chương trình được chia làm hai phần với chủ đề “Đất Việt” và “Thanh xuân trên quê hương”, tái hiện sinh động không gian văn hóa, lịch sử và âm nhạc dân tộc, thể hiện bằng các hình thức hòa tấu, độc tấu, song tấu và múa dân gian đương đại. Đây là kết quả học tập của học sinh trong suốt năm học, đồng thời cũng là sân chơi nghệ thuật thực thụ để các em thể hiện niềm đam mê, tài năng và tinh thần yêu nước qua âm nhạc truyền thống.

Phần 1 – Đất Việt mở đầu bằng bản hòa tấu “Long Ngâm – Tùng Quân – Đăng đàn Cung”, những tác phẩm nhã nhạc cung đình Huế cổ kính và hùng tráng, ca ngợi sự thịnh trị, khí thế của dân tộc. Tiếp theo là “Vì miền Nam” – độc tấu đàn bầu của Trần Bảo Linh – như lời khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng miền Nam. Tác phẩm “Hẹn ngày thống nhất” – lần đầu tiên được dàn dựng theo hình thức tam tấu đàn tranh – mang âm hưởng da diết, chất miền Trung trữ tình sâu lắng.

Một điểm nhấn sinh động là tiết mục “Cô gái vót chông” với phần trình bày của nhóm Mini Bird gồm các học sinh biểu diễn sáo trúc, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh và bộ gõ – tái hiện không khí hào hùng trong những năm tháng kháng chiến. Đặc biệt, tiết mục “Tiếng vọng” – song tấu sáo H’Mông do chính hai người con của NSND Lương Hùng Việt trình diễn – khiến khán giả xúc động với tinh thần kết nối thế hệ trong âm nhạc dân tộc.

Tiếng trống hội vang dội qua tác phẩm “Hồi trống Lạc Hồng” khép lại phần 1, mang theo âm hưởng chiến thắng và khát vọng đoàn kết, khơi dậy lòng tự hào về nguồn cội dân tộc.

Sau phần giao lưu, tri ân thầy cô và lời chia sẻ từ TS.NSND Nguyễn Thị Hoa Đăng, chương trình bước sang Phần 2 – Thanh xuân trên quê hương, tiếp tục dẫn dắt khán giả đến những miền ký ức và khát vọng tuổi trẻ. “Kể chuyện ngày mùa” – tác phẩm nổi tiếng viết cho đàn nhị của nhạc sĩ Thao Giang – được biểu diễn dưới hình thức song tấu, thể hiện sinh động hơi thở của đồng quê Việt Nam.

“Đất vắng cây” vang lên đầy sâu lắng qua phần độc tấu đàn bầu của Trần Đức Anh, trước khi khán giả đến với liên khúc “Lý Tình Tang – Lý Quỳnh Tương” đầy vui tươi, duyên dáng. Điểm nhấn tiếp theo là tiết mục múa dân gian đương đại “Thanh xuân” do hai học sinh đàn bầu biểu diễn – một minh chứng cho tinh thần đa năng và sáng tạo của học sinh lớp Hòa tấu Huế.

Đặc biệt, tiết mục “Hát Văn – Lời tri ân” do Mỹ Anh thể hiện khép lại chuỗi cung bậc cảm xúc bằng lời cảm ơn sâu sắc tới thầy cô, cha mẹ và những thế hệ đi trước. Phần kết chương trình với hai tác phẩm “Chung một niềm tin” và “Vũ khúc Tây Nguyên” dẫn dắt người xem đến với tinh thần đoàn kết và niềm vui của ngày hội thống nhất.

Khép lại chương trình, bản hòa tấu Đất nước trọn niềm vui vang lên rộn ràng trong tràng pháo tay nồng nhiệt. “Thanh xuân đất Việt” không chỉ là chương trình tổng kết năm học, mà còn là một hành trình âm nhạc chạm tới trái tim, gợi nhắc tinh thần dân tộc, truyền thống và khát vọng tuổi trẻ trong một không gian nghệ thuật đậm bản sắc Việt.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/thanh-xuan-dat-viet-khi-nhac-truyen-thong-thap-lua-tuoi-tre-post1192222.vov
Zalo