Thành ủy TP.HCM cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng về việc sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý hàng loạt vấn đề khi tiến hành quá trình sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Chiều 15-4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 39.
Một trong những nội dung quan trọng tại hội nghị là việc phối hợp với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện quá trình sáp nhập tỉnh, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 39. Ảnh: THANH THÙY
Sắp xếp lại các sở ngành, cơ quan cơ quan hành chính khi sáp nhập tỉnh
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ hội nghị nhằm thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Hội nghị cũng cho ý kiến về đề án sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh; đề án kết thúc đảng bộ cấp huyện, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã tại Đảng bộ TP.HCM và một số nội dung quan trọng khác.
Theo ông, đây là những nội dung quan trọng, đột xuất, cấp bách và đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp xây dựng hoàn thiện các phương án, đề án với chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở cho quá trình triển khai sắp tới.
Trong đó, tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án, các bước tiến hành, lộ trình sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã trên địa bàn TP.HCM.
Nội dung cần chú ý đến là quy mô, số lượng, tên gọi các xã, phường, vừa bảo đảm tỉ lệ, dân số, diện tích, điều kiện và các tiêu chí, quy định, vừa phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù, yêu cầu phát triển giai đoạn mới, đặc biệt là phù hợp tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gợi mở nội dung thảo luận. Ảnh: THANH THÙY
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng đặc biệt lưu ý những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phối hợp với hai tỉnh là Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu để tiến hành các bước sắp xếp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Trong đó có việc sắp xếp lại các sở, cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh để bảo đảm đồng bộ, tương thích, hài hòa giữa ba địa phương.
Hiện trung ương cũng có những chỉ đạo liên tục để triển khai thực hiện trong thời gian nhất định. Mới đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã có nhiều quyết định mang tính lịch sử, tinh gọn tổ chức bộ máy như sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức lại ĐVHC các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại hệ thống tổ chức đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, nhà nước giao nhiệm vụ; hệ thống tư pháp, tòa án, viện kiểm sát nhân dân các cấp.
"Có thể nói, đây là những quyết định mang tính 'lần đầu tiên', thực hiện một cuộc cách mạng sâu rộng để định hình lại mô hình tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở một cách căn cơ, toàn diện" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Ông cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo cùng với các cơ quan tham mưu, các cơ quan chức năng, các cấp cùng triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Ông cũng chia sẻ, giờ đây TP.HCM không chỉ có sự phối hợp trong thành phố mà còn cần phối hợp cùng hai tỉnh Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu khi sáp nhập, mở rộng. Vì vậy, cần đánh giá sát, đúng và thực chất, rõ ràng, đầy đủ để nhận diện những việc đã làm, đang làm và sẽ làm.
Trao đổi thêm về phương án sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đề án sắp xếp, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh, kết thúc HĐND cấp huyện, sắp xếp tổ chức đảng…, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đây là những vấn đề rất lớn, hệ trọng có nhiều yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử, khoa học, pháp lý...
Bố trí người đứng đầu, cấp phó khi sáp nhập ba địa phương
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu có phương án, các bước thực hiện và lộ trình sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn; trong đó chú ý đến quy mô, số lượng, tên gọi các xã phường nhằm đảm bảo được tỉ lệ, yêu cầu về diện tích, dân số và điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra cũng cần đảm báo các tiêu chí trên quy định chung, phù hợp với điều kiện, tính chất đặc thù, phù hợp tình hình mới, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, đây là câu chuyện rất mới, rất quan trọng, không chỉ là sắp xếp ĐVHC đơn thuần.
“Yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị là sắp xếp phải tốt hơn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, thống nhất cao, triển khai thực hiện để tạo chuyển biến mới, những gì còn vướng mắc thì bàn bạc hết sức kỹ để tránh. Sắp xếp để chạy tới nhanh hơn, bền vững hơn, tốt hơn, phục vụ bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, chuyển từ bị động hành chính sang chủ động phục vụ nhân dân” - Bí thư TP.HCM yêu cầu.
Đồng thời, ông Nên cũng đề nghị các đại biểu thảo luận những vấn đề thực tiễn có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp lại ĐVHC sự nghiệp công lập, bàn giao công việc, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài chính, phương tiện, trang thiết bị… Bởi nếu bàn giao không kĩ, thất thoát hay có ai đó vi phạm thì lại trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Cạnh đó, cho ý kiến về phương châm chỉ đạo đối với công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bố trí người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại các sở ngành, cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập.
Quan tâm chính sách đối với cán bộ bị tác động khi sắp xếp; những vấn đề cần quan tâm trong quá trình sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã và kết thúc đảng bộ cấp huyện.