Thành tựu lớn nhất sau 50 năm non sông liền một dải

Nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam chính là sự chuyển đổi mô hình kinh tế thành công. Trong cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán, ông cũng bày tỏ những trăn trở về một hướng đi để tạo đột phá cho giai đoạn mới.

Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ảnh: ST

Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ảnh: ST

Thưa ông! Nhìn lại 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, ông đánh giá đâu là thành tựu kinh tế lớn nhất mà Việt Nam đạt được?

Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất là việc chuyển đổi thành công mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước ngoặt có tính chất quyết định, mở ra con đường phát triển như hôm nay.

Nước ta xuất phát từ điểm rất thấp nhưng nhiều chỉ tiêu đã được cải thiện rõ rệt theo thời gian: Thu nhập bình quân đầu người năm 1986 chưa đến 100 USD, đến nay đã đạt 4.700 USD, tăng hơn 40 lần. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế giảm từ hơn 70% năm 1986 xuống dưới 5%. Việt Nam cũng trở thành 1 trong 15 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất thế giới với hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ vài triệu USD năm 1975 lên hơn 700 tỷ USD năm 2024, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu toàn cầu.

Quy mô nền kinh tế đạt gần 434 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2024, tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 4%, các cân đối lớn được đảm bảo và nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển và vận tải hàng hóa... Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình từ năm 2008 và đang đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Khi khơi dậy, huy động được mọi nguồn lực trong dân, Đảng không chỉ là người tạo gió mà còn giúp con thuyền đất nước đón được luồng gió mạnh nhất, đúng nhất để bứt phá.

TS. Nguyễn Đức Kiên

Theo ông, yếu tố nào tạo nền tảng cho sự chuyển đổi mô hình kinh tế thành công như vậy?

Yếu tố cốt lõi là sự đồng thuận rất cao trong Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị. Từ Đại hội VI năm 1986, Đảng đã thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, với kinh tế là trọng tâm. Từ đó, nhận thức của xã hội thay đổi, mọi người hăng hái tham gia quá trình phát triển đất nước.

Nguồn lực ban đầu không đến từ bên ngoài mà từ trong dân. Thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng, vốn nhàn rỗi trong xã hội đã được huy động, trở thành nguồn lực đầu tư để phục vụ phát triển. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn. Nhà nước đã ban hành nhiều luật kinh tế quan trọng góp phần bảo đảm tính pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dù nền kinh tế đã đạt nhiều thành tựu nhưng chất lượng tăng trưởng hiện nay còn điều gì khiến ông trăn trở?

Chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Một chỉ số rất đáng chú ý là ICOR - hệ số sử dụng vốn đầu tư - luôn duy trì ở mức cao trong suốt hơn 30 năm qua. Trong khi ở các nước khác, ICOR chỉ ở mức cao trong 10-15 năm đầu phát triển, sau đó giảm dần theo hiệu quả đầu tư. Một số vấn đề cần rà soát kỹ như: việc lựa chọn và thẩm định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; kiểm soát khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; đánh giá đầy đủ mối quan hệ giữa các phương thức vận tải trước khi đầu tư sân bay, đường cao tốc, cảng biển...

Khu vực FDI cũng cần được đánh giá lại hiệu quả chuyển giao công nghệ, mức độ lan tỏa sang doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kỳ vọng về vai trò dẫn dắt; khu vực tư nhân phát triển dưới tiềm năng, gặp không ít rào cản thể chế và chi phí không chính thức. Ba động lực tăng trưởng hiện nay là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng đều bộc lộ giới hạn.

Vậy theo ông, đâu là hướng đi để con thuyền kinh tế Việt Nam bứt phá trong giai đoạn tới?

Để tiêu dùng tăng, người dân phải có thu nhập cao hơn. Điều này chỉ có thể đạt được khi khu vực tư nhân phát triển mạnh, tạo việc làm và nguồn thu bền vững. Nhà nước không thể dùng tiền thuế để chia đều, mà phải tạo môi trường để mọi người dân có cơ hội làm giàu chính đáng.

Đầu tư công vẫn còn dư địa - nợ công hiện ở mức khoảng 40% GDP, thấp hơn trần 65%. Nhưng quan trọng là đầu tư vào đâu, vào ai và hiệu quả ra sao? Các dự án trọng điểm quốc gia phải được lựa chọn kỹ, gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và chiến lược phát triển tổng thể.

Với xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động chiến lược thị trường, đổi mới sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng. Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do, cải cách thủ tục, logistics… nhưng không thể làm thay vai trò của doanh nghiệp.

Tôi rất tâm đắc với hình ảnh ẩn dụ trong thơ Tố Hữu: Buồm là lao động/Gió là Đảng ta/Thuyền ra khơi xa/Gió căng buồm lộng... Trong hành trình phát triển đất nước, Đảng được ví như làn gió mang đến định hướng, tạo ra động lực và mở ra cơ hội. Nhân dân là cánh buồm, là sức mạnh của toàn xã hội. Nhưng để đi được xa, vượt qua những làn sóng lớn, không thể thiếu một người cầm lái vững vàng - đó là bộ máy điều hành đủ tầm, đủ tâm, biết đón gió đúng lúc, đúng hướng.

Đất nước là con thuyền. Đảng tạo gió, Nhân dân giương buồm, bộ máy điều hành giữ vai trò người cầm lái. Nếu không có gió, buồm sẽ lặng. Nếu không có buồm, gió cũng vô nghĩa. Và nếu người cầm lái không vững, con thuyền sẽ dễ lạc hướng, thậm chí có thể bị sóng xô trở lại điểm xuất phát. Khi khơi dậy, huy động được mọi nguồn lực trong dân, Đảng không chỉ là người tạo gió mà còn giúp con thuyền đất nước đón được đúng gió của thời đại. Khi Đảng và Nhân dân hòa nhịp cùng nhau, con thuyền Việt Nam sẽ đủ sức vượt qua sóng gió, tiến về phía trước, mạnh mẽ và tự tin.

Trong hành trình đưa đất nước bứt phá, thế hệ trẻ sẽ đóng vai trò như thế nào, thưa ông?

Thế hệ trẻ chính là làn gió mới, là động lực của đổi mới sáng tạo. Trong thời đại số, một bạn trẻ có thể tạo ra giá trị xã hội rất lớn chỉ từ một sản phẩm công nghệ, một ý tưởng sáng tạo. Chúng ta cần có chính sách để khuyến khích và bảo vệ các ý tưởng như vậy. Chẳng hạn, với những MV ca nhạc ca ngợi quê hương, đất nước, thu hút hàng chục triệu lượt xem, Nhà nước có thể xem xét cho phép cơ chế dùng ngân sách mua bản quyền để lan tỏa thông điệp tích cực. Nếu 1 MV đạt 50 triệu lượt xem thì mua bản quyền giá A, đạt 100 triệu lượt thì giá B... Đó là cách Nhà nước sử dụng ngân sách hiệu quả để truyền thông chính sách, quảng bá văn hóa và cũng là thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, cần cơ chế phát hiện, trọng dụng nhân tài không qua quy trình hành chính cứng nhắc. Một người làm giỏi ở khu vực tư nhân có thể xem xét điều động sang khu vực công để phục vụ đất nước như nhiều quốc gia đã làm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

THÙY ANH (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thanh-tuu-lon-nhat-sau-50-nam-non-song-lien-mot-dai-39770.html
Zalo