Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chỉ ra tồn tại, hạn chế tại Sở GD&ĐT
Thanh tra kết luận, việc theo dõi giá trị tài sản và nợ phải trả của các đơn vị thuộc Sở GD&ĐT Thái Nguyên không đảm bảo yêu cầu với công tác kế toán.
Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTR ngày 30/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên, Đoàn thanh tra đã công bố kết luận số 01/KL-TTr, chỉ rõ những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước và công tác hạch toán, kế toán của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên.
Về công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, còn một số tồn tại trong công tác lập, giao dự toán.
Cụ thể, đối với kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, hồ sơ, tài liệu kèm theo để lập và giao dự toán chưa thuyết minh đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính như: khối lượng công việc sửa chữa; thời gian bảo dưỡng sửa chữa gần nhất; thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cũng chưa rà soát việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí đối với 12 công trình từ thời điểm phê duyệt dự toán (7 công trình năm 2016, 2 công trình năm 2018, 3 công trình năm 2019 năm 2020) cho đến khi quyết toán (2 công trình năm 2020 và 10 công trình năm 2023) theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính để bố trí đủ dự toán.
Kết luận nêu rõ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên không rà soát các chính sách, nhiệm vụ được phê duyệt, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi theo mức độ cấp thiết để đảm bảo yêu cầu thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng dự toán.
Điều này dẫn đến khi tổ chức thực hiện dự toán phải hủy nhiều nhiệm vụ chi.
Năm 2022, hủy bỏ dự toán 57.008.820.071 đồng, gồm 4 nhiệm vụ không thực hiện và 84 nhiệm vụ thực hiện không hết dự toán, trong đó nhiệm vụ “mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7, lớp 10” không thực hiện nên lộ trình không đảm bảo, không đáp ứng được việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.
Theo trình bày của Sở, do nhiều danh mục sản phẩm mới chưa phổ biến, chưa có sẵn trên thị trường dẫn đến việc thu thập dữ liệu để so sánh giá thẩm định hạn chế, chưa có cơ sở để tổ chức đấu thầu.
Năm 2023, hủy bỏ dự toán là 17.424.975.868 đồng, gồm 37 nhiệm vụ không thực hiện và 79 nhiệm vụ thực hiện không hết dự toán.
Thanh tra kết luận, trách nhiệm thuộc về Phòng Kế hoạch - Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên.
Về hoạt động rút dự toán, quyết toán kinh phí, Đoàn Thanh tra tiến hành kiểm tra 8 hồ sơ thanh toán bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.
Trong đó, phát hiện tại các công trình được kiểm tra, đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật dự toán khối lượng một số hạng mục công việc không chính xác.
Kết luận nêu rõ, đơn vị thi công và tư vấn giám sát thực hiện nghiệm thu khối lượng không đúng với thực tế thi công. Đơn vị tư vấn quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với phạm vi công việc trong hợp đồng đã ký, chưa tư vấn, giúp chủ đầu tư trong việc đảm bảo tính chính xác, đầy đủ khối lượng nghiệm thu, dẫn đến thanh toán chênh lệch tăng số tiền lớn.
Cụ thể, công trình sửa chữa sân trường, sân khấu, hàng rào cổng phụ, nhà xe Trường Trung học phổ thông Đồng Hỷ, qua kiểm tra thấy một số công việc được dự toán với khối lượng nhiều hơn thiết kế. Khi triển khai xây dựng, đơn vị thi công xây dựng thực hiện thi công theo đúng thiết kế, song được nghiệm thu, thanh toán bằng khối lượng dự toán, dẫn đến chênh lệch tăng số tiền là 8.568.863 đồng.
Công trình sửa chữa nhà lớp học 9 phòng, tường rào sau nhà hiệu bộ, sửa phòng học (nhà lớp học 12 phòng) thành phòng bộ môn ngoại ngữ tại Trường Trung học phổ thông Dương Tự Minh cũng xảy ra tình trạng tương tự, dẫn đến chênh lệch tăng số tiền là 52.956.127 đồng.
Công trình sửa chữa nhà lớp học 3 tầng 15 phòng tại Trường Trung học phổ thông Hoàng Quốc Việt thanh toán dựa trên dự toán thay vì khối lượng thực tế, gây chênh lệch 9.112.641 đồng.
Công trình sửa chữa nhà hiệu bộ, nhà lớp học, nhà đa năng của Trường Trung học phổ thông Lương Phú thanh toán chênh lệch 11.536.731 đồng.
Công trình sửa chữa nhà hiệu bộ Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền thanh toán chênh lệch lên đến 14.924.737 đồng.
Công trình sửa chữa nhà lớp học 3 tầng 15 phòng, sửa hệ thống phòng cháy chữa cháy tại Trường Trung học phổ thông Phổ Yên cũng nghiệm thu và thanh toán dựa trên dự toán, gây chênh 9.698.871 đồng.
Công trình sửa chữa nhà để xe, tầng hầm nhà hiệu bộ, tầng hầm nhà thư viện, cổng, tường rào, sân đường nội bộ Trường Trung học phổ thông Phú Lương thanh toán chênh lệch 9.392.843 đồng.
Công trình sửa chữa nhà lớp học 3 tầng, đường dốc lên trường, nhà thường trực tại Trường Trung học phổ thông Võ Nhai thanh toán chênh lệch 7.354.387 đồng.
Tổng giá trị đã thanh toán vượt giá trị thực tế của 8 công trình này là 123.545.200 đồng.
Kết luận nêu rõ, trách nhiệm thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật trong việc dự toán chưa đúng khối lượng một số hạng mục công việc; các đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công xây dựng và nhà thầu thi công trong việc nghiệm thu không đúng khối lượng thực tế thi công.
Về việc thực hiện các quy định về kế toán và ban hành các Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, Kết luận nêu rõ, các đơn vị thực hiện việc lập chứng từ, mở sổ sách kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.
Song, còn một số tồn tại như: chưa ghi tăng nguyên giá tài sản cố định, vẫn theo dõi xây dựng cơ bản dở dang của 14 công trình xây dựng đã được phê duyệt quyết toán từ năm 2023 trở về trước, tổng số tiền là 93.838.070.193 đồng.
Ngày 31/12/2024, đã kết chuyển ghi tăng nguyên giá tài sản cố định, trong đó có 12/14 công trình tổng giá trị quyết toán là 36.617.952.000 đông (02 dự án phê duyệt quyết toán năm 2020; 10 dự án phê duyệt quyết toán năm 2023). Kế toán không mở sổ theo dõi nợ phải trả cho các nhà thầu số tiền là 4.183.600.000 đồng.
Thanh tra kết luận, việc theo dõi giá trị tài sản và nợ phải trả của các đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên không đảm bảo yêu cầu đối với công tác kế toán; chưa phản ánh đầy đủ, liên tục từ khi phát sinh đến khi kết thúc hoạt động kinh tế, tài chính vào sổ kế toán, báo cáo tài chính; chưa phản ánh trung thực, khách quan hiện trạng, bản chất sự việc, nội dung và giá trị của nghiệp vụ kinh tế, tài chính.
Kết luận nêu rõ, trách nhiệm thuộc về Kế toán Văn phòng sở.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác phổ biến, quán triệt pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, chỉ đạo công tác xây dựng, phân bố và thực hiện dự toán chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tiết kiệm ngay từ khâu xây dựng dự toán, quản lý chặt chẽ các khoản chi theo đúng chế độ, chính sách.
Thanh tra cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên rà soát các khoản nợ phải trả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Sở Tài chính thẩm định, bố trí đủ dự toán đối với các nội dung đã được phê duyệt quyết toán.
Bên cạnh đó, thực hiện thu hồi số tiền 123.545.200 đồng, nộp vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên và tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan đến những tồn tại, hạn chế được nêu trong Kết luận thanh tra.