'Thanh tra đi đến đâu, hàng hóa cũng giấu hết'

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn tình trạng hàng giả, sữa giả cho biết 'lực lượng thanh tra đi đến đâu, hàng hóa giấu hết'.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh như trên khi thảo luận dự án Luật Thanh tra sửa đổi tại chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 22/5.

 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết, sửa luật lần này khác so với luật hiện hành là chỉ chủ yếu tập trung ở việc xây dựng hệ thống thanh tra 2 cấp là ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, cũng đặt ra những mối lo ngại về thanh tra chuyên ngành.

"Chúng tôi hay nói đùa với nhau là đợt này chắc là sếp sẽ nhiều hơn mà lính thì sẽ ít đi. Từ đó cũng đặt ra những khó khăn, đặc biệt là đối với thanh tra chuyên ngành khi lực lượng thanh tra tại quận, huyện của chúng ta hầu như vẫn chưa có những lực lượng chuyên ngành mà chủ yếu vẫn chỉ trông cậy vào thanh tra liên ngành là chính", Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Nữ đại biểu cho biết, bản thân có phần yên tâm vì dự luật có những điều khoản về kiểm tra chuyên ngành, trách nhiệm của thủ trưởng trong việc triển khai, tổ chức kiểm tra chuyên ngành; các sở cũng bảo đảm việc kiểm tra chuyên ngành. “Rất mong khi chúng ta xây dựng nghị định và thông tư sẽ có đầu tư thích đáng cho những quy định làm kiểm tra chuyên ngành như thế nào cho đúng luật”, Đại biểu Phong Lan nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Đại biểu Lan băn khoăn dự luật chủ yếu tập trung xây dựng việc phòng chống lạm quyền, tiêu cực của thanh tra, trong khi quyền hạn, sức mạnh để thanh tra hoạt động hiệu quả hơn thì chưa có biện pháp.

“Nếu so sánh ở nước ngoài thì thấy thanh tra của họ quyền lực rất lớn. Đương nhiên quyền lực lớn có thể dẫn đến những nguy cơ lạm quyền… nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Bây giờ, ngay từ trong xây dựng luật, thanh tra bị trói tay trói chân rất nhiều”, bà Lan nêu rõ.

Đồng thời đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta không có những quy định thoáng hơn để có thể thanh tra đột xuất được nhiều hơn là thanh tra kế hoạch?".

Theo bà Lan, thanh tra kế hoạch hầu như không có hiệu quả khi danh sách phải công khai, thống nhất từ đầu năm và có sự phê duyệt của cấp trên. Sau đó, trước khi đi thanh tra phải có thông báo cho đơn vị được thanh tra. Điều này rõ ràng hạn chế nhiều yếu tố bất ngờ.

Ví dụ, trước vấn đề về sữa giả, thực phẩm chức năng giả, Thủ tướng yêu cầu ra quân để xử lý, nhưng thực tế, lực lượng thanh tra đi đến đâu, hàng hóa lại bị giấu, các nhà thuốc tìm cách đối phó. "Rất khó để có thể bắt quả tang khi chúng ta làm một việc có kế hoạch và rầm rộ thông tin từ trước", bà Lan nói.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho hay còn có trường hợp các đơn vị, cá nhân sau khi bị "chốt" biên bản vi phạm và xử lý vi phạm hành chính thì không tuân thủ, không nộp phạt và chỉ cần là dẹp cơ sở cũ, mở cơ sở mới. Vấn đề này đại biểu cho rằng chưa có chế tài nào xử lý và đề nghị cần tập trung thảo luận, sửa đổi để khắc phục.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/thanh-tra-di-den-dau-hang-hoa-cung-giau-het-post1542985.html
Zalo