Nhiều lãnh đạo xã bị kiểm điểm vì ký vào hồ sơ khống

Nhiều lãnh đạo xã ở Hà Tĩnh vừa bị kiểm điểm trách nhiệm do không kiểm tra, soát xét kỹ đã ký vào đơn vay vốn được lập khống trong vụ án tham ô tài sản.

UBND huyện Hương Khê vừa tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý.

Bị cáo Nguyễn Thị Mai (ngoài cùng bên phải) và các đồng phạm tại tòa. Ảnh:TL

Bị cáo Nguyễn Thị Mai (ngoài cùng bên phải) và các đồng phạm tại tòa. Ảnh:TL

Tập thể, cá nhân liên quan gồm các xã: Hòa Hải, Lộc Yên, Phúc Đồng, Hương Giang, Hương Bình, Hương Xuân, Phúc Trạch, Hà Linh, Hương Đô và thị trấn huyện và 19 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các xã này.

Những tập thể, cá nhân bị kiểm điểm do ký xác nhận vào đơn được lập khống để vay vốn từ nguồn quỹ phát triển phụ nữ trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Văn phòng giao dịch Quỹ phát triển Phụ nữ huyện Hương Khê trong giai đoạn 2021-2023.

UBND huyện Hương Khê thống nhất chỉ kiểm điểm, không xem xét hình thức kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có vi phạm do nguyên nhân vi phạm có nhiều yếu tố khách quan, đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định.

Huyện Hương Khê yêu cầu thời gian tới, UBND các xã, thị trấn chủ động đề xuất, phối hợp với Quỹ phát triển phụ nữ xây dựng quy chế phối hợp quản lý hồ sơ vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển phụ nữ đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện vay vốn trên địa bàn.

Với các cá nhân vi phạm, đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quản lý điều hành.

Ngày 20/8/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử, tuyên án Nguyễn Thị Mai (trú tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức.

Liên quan vụ án này, 17 bị cáo khác nhận án phạt 18 tháng tù treo đến 7 năm tù về các tội Tham ô tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức

Theo cáo trạng, tháng 4/2021, Nguyễn Thị Mai lúc đó đang giữ chức Trưởng Văn phòng giao dịch Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Khê, nói cần vốn kinh doanh và nhờ 6 cán bộ cấp dưới lập khống một số bộ hồ sơ vay vốn. Mai tự nghĩ ra tên người vay, nhờ Chủ tịch Hội Phụ nữ các xã trong huyện ký xác nhận đơn, thủ tục, cam kết trả gốc và lãi hàng tháng.

Sau khi cấp dưới lập xong hợp đồng vay vốn, Mai ký tên vào bên cho vay. Đối với bên vay, Mai tự ký tên giả cho phù hợp với chữ ký trên đơn vay vốn và phiếu thẩm định. Tiếp đó, Mai thuê người làm giả nhiều bản căn cước công dân để khớp hồ sơ.

Khi hoàn thiện các bộ hồ sơ để phát vốn và thu hồi vốn theo từng đợt giải ngân, Mai trực tiếp lấy tiền từ kế toán của cơ quan rồi ký giả tên người nhận. Hàng tháng, Mai nộp tiền lãi, gốc theo quy định.

Với chiêu thức trên, từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2023, Mai cùng 6 cấp dưới lập khống 357 bộ hồ sơ vay vốn tại 10 xã trên địa bàn huyện Hương Khê, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 5/2023, do kinh doanh bất động sản thua lỗ, Mai không còn khả năng trả lại tiền cho Quỹ Phát triển phụ nữ huyện Hương Khê. Tính đến ngày 1/6/2023, dư nợ cả gốc và lãi đối với các bộ hồ sơ vay vốn mà Mai đã lập khống là gần 5,5 tỷ đồng.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-lanh-dao-xa-bi-kiem-diem-vi-ky-vao-ho-so-khong-169250522182426797.htm
Zalo