Thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân BHYT: Bác sĩ giữ vai trò rất quan trọng
Bác sĩ, người hành nghề khám chữa bệnh khi kê đơn thuốc phải tư vấn cho người bệnh về quy định của Thông tư 22, để họ mua đúng thuốc, thuận tiện cho thanh toán sau này.
Vấn đề bảo vệ quyền lợi khi thiếu thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, vì thiếu thuốc đã tạo gánh nặng cho người bệnh tham gia BHYT. Do đó, Thông tư 22 được coi như một giải pháp, dù là tình thế, cho các cơ sở KCB và cho người bệnh.
Trao đổi với VietTimes, ông Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho rằng, Thông tư 22 mà Bộ Y tế vừa ban hành có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bệnh, người hành nghề cũng như cơ sở KCB. Việc để cho người bệnh được thanh toán trực tiếp một số loại thuốc, thiết bị y tế là một giải pháp tháo gỡ khó khăn do thiếu thuốc.
Theo khảo sát của Cục Quản lý KCB, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế xảy ra ở các cơ sở KCB do các nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, hầu hết ở Danh mục thuốc hiếm.
Kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện cho thấy, khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc hiếm được BHYT chi trả. Bên cạnh đó, ở một số cơ sở y tế, nhiều thuốc thông thường cũng thiếu.
Tuy nhiên, Thông tư 22 chưa thể giải quyết hết được việc thiếu thuốc hiện nay. Ví như Bệnh viện Việt Đức cho biết vẫn thiếu một số thuốc không phải thuốc hiếm, nhưng lại rất quan trọng trong ghép tạng, do không có đơn vị dự thầu vì nguồn cung đứt gãy, không ổn định, nên các công ty cung ứng thuốc sợ vi phạm hợp đồng, không dám dự thầu.
“Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất hướng giải quyết đối với vấn đề này” - ông Dương cho hay.
Việc thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân BHYT được quy định chặt chẽ, nên vai trò của bác sĩ, người hành nghề khám chữa bệnh trong việc kê đơn làm sao để đảm bảo người bệnh được thanh toán là rất quan trọng, được nhiều người quan tâm.
Theo Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT cho hay: Thông tư 22 đã quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ sở KCB cũng như các nội dung liên quan đến việc kê đơn: Phải kê đơn đúng quy định, chỉ được kê đơn những thuốc trong danh mục thuốc BHYT chi trả, thuốc trong danh mục thuốc bệnh viện đấu thầu đã hết, trong khi thủ tục đấu thầu tiếp theo chưa có.
Do đó, cơ sở KCB phải phổ biến cho người hành nghề trong đơn vị biết được thuốc nào thiếu, thuốc nào trong danh mục BHYT chi trả, trong phạm vi chuyên môn của bệnh viện, để bảo đảm sau này người bệnh được thanh toán. Người hành nghề khám chữa bệnh khi kê đơn thuốc phải tư vấn cho người bệnh về quy định của Thông tư 22, để họ mua đúng thuốc, thuận tiện cho thanh toán sau này.
Về thủ tục thanh toán trực tiếp, bà Trang cho biết, theo Nghị định 146 của Chính phủ là không quá 40 ngày thì cơ quan BHXH phải thanh toán. Hồ sơ và thủ tục thanh toán chỉ bao gồm hóa đơn hợp pháp của người bệnh, các giấy tờ bệnh viện đã chẩn đoán và kê đơn điều trị cho người bệnh. Trường hợp người bệnh cấp cứu tại cơ sở chưa ký hợp đồng BHYT thì sau khi ra viện, người bệnh mang hồ sơ, chứng từ, xác nhận của cơ sở KCB đến cơ quan BHXH thanh toán.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho biết: Thông tư 22 chỉ để giải quyết tình thế trong giai đoạn ngắn, nhằm đảm bảo phần nào quyền lợi của người tham gia BHYT, bù đắp một phần chi phí người bệnh tự bỏ ra, chứ không phải đảm bảo toàn bộ, nên người bệnh phải trả phần chênh lệch khi mua thuốc ở ngoài.
Bộ Y tế đang đề xuất người bệnh không phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH mà thanh toán với bệnh viện, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh.
Về câu hỏi sau khi Luật BHYT được thông qua, thì vấn đề thiếu thuốc có được cải thiện hơn không, Vụ trưởng Vụ BHYT cho hay: Khi Thông tư 22 được thực hiện, Luật BHYT được thông qua, thì việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân ra mua ngoài sẽ giảm. Đã có những giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người bệnh trong trường hợp cơ sở KCB thiếu thuốc do tình huống khách quan.
Bên cạnh đó, các quy định về mua sắm, đấu thầu, các biện pháp mà Bộ Y tế triển khai trong thời gian qua cũng góp phần để các bệnh viện bảo đảm thuốc điều trị cho người bệnh. Như vậy sẽ chỉ thiếu trong những trường hợp bất khả kháng.