Thành tích vàng của thể thao Việt Nam và kỳ vọng năm rồng
Những năm qua, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, Thể thao Việt Nam đã, đang có những bước đi vững chắc và hiệu quả. Điều đó thể hiện qua bảng thành tích vàng đạt được trong các đấu trường tại khu vực, châu lục và trên thế giới.
Vươn xa trên “bản đồ” thể thao thế giới
Theo báo cáo của Cục Thể dục Thể thao, kết quả thi đấu quốc tế năm 2023, Thể thao Việt Nam đã giành được 1.429 huy chương quốc tế (trong đó 571 HCV, 404 HCB, 454 HCĐ). Đặc biệt, Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc, vượt chỉ tiêu đề ra và lần đầu tiên giành được vị trí thứ Nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games tổ chức tại nước bạn, với tổng số 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games; lần thứ 2 liên tiếp giành HCV Bóng đá U23 nam Đông Nam Á, những HCV lịch sử tại ASIAD 19 cùng nhiều thành tích khác.
Kết quả trên là cột mốc đáng mừng cho nền thể thao nước nhà khi đã tạo ra những đột phá mới về thành tích thi đấu cũng như các chỉ số phát triển của thể thao chuyên nghiệp. Không chỉ vậy, với những thành tích đạt được trong các cuộc thi đấu lớn ở khu vực, châu lục và trên thế giới, thể thao Việt Nam đã gây dựng cho mình một vị thế nhất định trên các đấu trường thể thao chuyên nghiệp. Qua đó, giúp quảng bá, khẳng định vị thế bản sắc văn hóa dân tộc, đưa hình ảnh con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xã hội quốc gia và tăng cường tình hữu nghị, giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới.
Chắc chắn để có được kết quả đó không phải là điều dễ dàng, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã luôn luôn quan tâm chỉ đạo và đầu tư vào phát triển thể dục - thể thao. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các liên đoàn, hiệp hội thể thao đã góp phần gây dựng nên thành công nói trên.
Đặc biệt không thể không nhắc đến những cống hiến của các vận động viên, huấn luyện viên, những người đã làm rạng danh thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Để vinh danh cho họ, hàng năm các giải thưởng về thể thao được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển thể thao Việt Nam và là nguồn động lực để những người làm thể thao, trực tiếp nhất là các vận động viên, huấn luyện viên thêm nỗ lực hết sức mình, thi đấu dưới màu cờ sắc áo Đội tuyển Quốc gia.
Tối 27/3, Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2024), Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 18 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) khởi xướng và tổ chức với sự tham gia bầu chọn của báo giới toàn quốc đã diễn ra. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tập thể có những thành tích, việc làm, hoạt động đóng góp nổi bật mang tính cống hiến trong các hoạt động thể dục thể thao hàng năm của Thể thao Việt Nam.
Với 3 hạng mục chính lần lượt những cái tên của cá nhân, tập thể, những người làm rạng danh thể thao Việt Nam đã được vinh danh. Khởi đầu giải thưởng “Chiến tích thể thao của năm” thuộc về đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với thành tích lịch sử lần đầu tiên lọt vào Top 4 châu Á. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ ASIAD, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tiến vào đến bán kết. Trải qua sự rèn giũa của huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và phát triển.
Tiếp theo, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, chân dung người giành chiến thắng ở hạng mục “Gương mặt trẻ thể thao của năm” là tuyển thủ Trần Thị Ngọc Yến - đội tuyển Cầu mây quốc gia. Là em út “vàng” của đội tuyển Cầu mây quốc gia, năm qua cô đã cùng các đồng đội trải qua một năm thi đấu đầy thành công. Cá nhân Trần Thị Ngọc Yến có màn thể hiện đẳng cấp với những pha móc, sút bóng tấn công hiểm hóc, góp công lớn vào chiến thắng vang dội của đội tuyển Cầu mây Việt Nam.
Cuối cùng, một cái tên không còn xa lạ với người hâm mộ thể thao Việt Nam, “kình ngư” Nguyễn Huy Hoàng đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng bằng chiến thắng ở hạng mục “Gương mặt thể thao của năm”. Chàng trai người Quảng Bình là đại diện duy nhất lọt vào Top 3 đề cử mùa trước tiếp tục có mặt trong đề cử ở giải Thể thao Cống hiến 2024. Thành tích giành vé dự Olympic 2024, giành 2 HCĐ ASIAD 19 và 3 HCV, 1 HCĐ SEA Games 32, cùng với sự ủng hộ của người hâm mộ và bình chọn từ Hội đồng chuyên môn đã giúp Nguyễn Huy Hoàng lần đầu tiên được vinh danh ở giải thưởng Cống hiến.
Trước đó, Ủy ban Olympic Việt Nam, Cục Thể dục Thể thao thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Báo Hà Nội mới cũng đã tổ chức Chương trình “Vinh quang Thể thao Việt Nam”, trao thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Căn cứ vào kết quả bầu chọn đã có 23 vận động viên, huấn luyện viên và 4 đội thể thao tiêu biểu (đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam, đồng đội Karate nữ Việt Nam, đồng đội Cầu mây nữ 4 người Việt Nam) được trao Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Olympic Việt Nam.
Đặc biệt, có 14 vận động viên, huấn luyện viên có thành tích xuất sắc tại các đấu trường quốc tế lớn trong năm qua vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước; 13 người khác được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Những phần thưởng cao quý này là động lực to lớn giúp các vận động viên, huấn luyện viên tiếp tục cố gắng thi đấu, giành nhiều thành tích hơn nữa ở các đấu trường quốc tế trong thời gian tới.
Kỳ vọng năm rồng với Olympic Paris
Trong năm 2023, Thể thao Việt Nam đã tham gia nhiều sự kiện lớn như FIFA World Cup nữ, ASIAD 19, ASIAN Para Games 4, SEA Games 32, Para Games 12… và giành thành tích xuất sắc ở nhiều môn. Bước sang năm 2024, Thể thao Việt Nam tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn hơn, nâng cao vị thế ở đấu trường quốc tế cùng với kỳ vọng phát huy, kế thừa thành công của năm trước.
Đáng chú ý, trong năm 2024 sẽ diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong chu kỳ 4 năm: Olympic Paris - đây là sân chơi tạo nên vị thế thực chất nhất với mỗi nền thể thao, việc giành được huy chương là mục tiêu vô cùng khó khăn, với ngay cả những nền thể thao phát triển. Không còn dừng lại ở các kỳ Đại hội thể thao cấp độ khu vực và châu lục như trước, với tầm cỡ thế giới, không chỉ Việt Nam, mà đội tuyển thể thao của các quốc gia khác cũng hướng đến giải đấu này với tâm lý thi đấu hết mình, toàn lực, tập trung, nhất định giành chiến thắng.
Trước mắt tại Olympic Paris, Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có nhiều suất tham dự nhất có thể, tăng tối đa cơ hội tranh chấp huy chương Thế vận hội. Theo Cục Thể dục Thể thao, với Olympic Paris, Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có từ 12 - 15 suất tham dự ở các môn: Điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ, đua thuyền, xe đạp, cầu lông, judo, bắn cung và boxing (quyền Anh).
Đến thời điểm hiện tại, Đoàn thể thao Việt Nam “chắc chân” với 5 suất chính thức tham dự Olympic Paris của các vận động viên: Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Nguyễn Thị Thật (Xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (Bắn súng), Võ Thị Kim Ánh (Boxing). Dù số lượng còn ít ỏi so với mục tiêu nhưng trong tình hình hiện tại, Việt Nam có thể chứng kiến những suất dự Olympic tiếp theo từ 12 môn thi đấu trọng điểm trong thời gian tới. Ở môn Cử tạ, đô cử Trịnh Văn Vinh đang nằm trong top 10 của bảng xếp hạng thế giới. Anh cần tích lũy điểm số tốt hơn để đảm bảo việc có vé đến Olympic. Giới chuyên gia dự đoán đây là điều nằm trong tầm tay của đô cử sinh năm 1995.
Đồng thời tiếp tục đầu tư trọng điểm cho những vận động viên thi đấu đã có vé dự Olympic Paris 2024. Sắp tới để nâng cao khả năng chuyên môn, một số vận động viên sẽ được cử đi tập huấn tại nước ngoài để hoàn thiện, nâng cao trình độ. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt nhất về chuyên môn, các đội tuyển đều ưu tiên tập trung cho những bài tập thể lực, phục hồi chấn thương, sức khỏe sau những giờ tập luyện với cường độ cao. Để làm tốt công tác này, cả 4 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tạo, làm mới lại phòng tập phục hồi nhằm phục vụ tốt nhất cho vận động viên.
Trong năm rồng vàng, ngành Thể thao xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo ra những đột phá về thành tích thi đấu cũng như các chỉ số phát triển của nền thể thao nước nhà. Đổi mới không chỉ để chuẩn bị cho giải đấu lớn nhất hành tinh mà còn bao gồm những công việc hướng đến tầm nhìn dài hạn để có thêm thế hệ vận động viên kế cận trong tương lai. Trước sự chuẩn bị, quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho thể thao chuyên nghiệp Việt Nam, kỳ vọng trong năm rồng các vận động viên có thể làm nên chuyện tại đấu trường quốc tế, mang vinh quang cho Tổ quốc.