Thanh Sơn: Xóa nhà tạm, dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau

Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những huyện vùng sâu, xa được hỗ trợ chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất tỉnh. Chính quyền địa phương các cấp đã nỗ lực để hoàn thành chương trình, kịp cán đích đề ra.

Trong những năm qua, công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Thanh Sơn đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính sách này không những giúp các hộ gia đình có nơi ở ổn định, an toàn hơn mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình này không tránh khỏi những khó khăn, thử thách.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhà bà Hà Thị Đương ở trong một ngôi làng nhỏ bé vùng núi tại khu Xè 1, xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Ngôi nhà của bà là túp lều nhỏ, mái nhà cũ kỹ phủ bằng lớp bạt rách nát, tường đất thủng lỗ chỗ chẳng còn gì nguyên vẹn. Bên ngôi nhà rách nát xiêu vẹo, cứ mỗi trận mưa to là lại dột ướt, cảnh vật bên trong cũng chẳng khá khẩm hơn. Đối diện với những khó khăn đó, bà Đương vẫn cố gắng vượt qua, làm thuê chân tay để kiếm chút tiền mua gạo, thức ăn qua ngày cho cả gia đình.

Ngôi nhà dột nát của gia đình bà Hà Thị Đương tại khu Xè 1 xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn, không có khả năng đối ứng. Địa phương đang đề xuất kiến nghị xin hỗ trợ xây dựng toàn bộ ngôi nhà cho hộ gia đình này.

Ngôi nhà dột nát của gia đình bà Hà Thị Đương tại khu Xè 1 xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn, không có khả năng đối ứng. Địa phương đang đề xuất kiến nghị xin hỗ trợ xây dựng toàn bộ ngôi nhà cho hộ gia đình này.

Bà Đương bùi ngùi kể: "Gia đình tôi có mấy người con, các con đều đã lập gia đình nhưng đứa nào cũng khó khăn. Hiện tôi sống cùng gia đình đứa con trai và 4 cháu. Dù các cháu đã lớn nhưng không thể đến trường, do cuộc sống quá thiếu thốn không có đủ điều kiện và cũng vì lý do 3 cháu chưa có giấy khai sinh. Nhà tôi nghèo, cuộc sống cơ cực của gia đình ở trong ngôi nhà rách nát là cứ mỗi khi mưa bão đến bị bị dột tứ tung, nhà xiêu vẹo dần trước những cơn bão, và có thể sụp xuống bất cứ lúc nào.

Biết tin Đảng và Nhà nước hỗ trợ chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát hỗ trợ cho nhà tôi 60 triệu đồng xây nhà mới, gia đình tôi rất vui mừng, sung sướng. Song niềm vui chỉ dừng lại ở đấy, bởi nỗi lo băn khoăn không thể có ngôi nhà mới vì gia đình quá nghèo, bữa ăn không đủ lấy đâu ra tiền đối ứng để cất nhà đây".

Để giải quyết những trường hợp đặc biệt khó khăn trên, ông Ngô Thanh Xuyên - Chủ tịch xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn cho biết, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau" chính quyền địa phương đã linh hoạt cân nhắc đề xuất lên cấp trên về trường hợp gia đình bà Đương. Đối với trường hợp đặc biệt khó khăn này, xã đã đề xuất kiến nghị xin hỗ trợ "chìa khóa trao tay" xây toàn bộ ngôi nhà mới cho gia đình bà Đương để đảm bảo thực hiện chính sách đúng, trúng, kịp thời để mọi người dân đều có nơi ở ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Khó khăn nào cũng vượt qua

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh Phú Thọ. Năm 2025, huyện Thanh Sơn đang dốc toàn lực thực hiện chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, người có công và đồng bào dân tộc thiểu số có chốn an cư.

Hộ bà Đinh Thị Liễu người Mường tại khu Dẹ 2 xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) thuộc hộ nghèo hưởng hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới.

Hộ bà Đinh Thị Liễu người Mường tại khu Dẹ 2 xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) thuộc hộ nghèo hưởng hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới.

Trong quá trình thực hiện chính sách huyện Thanh Sơn gặp không ít những khó khăn. Song bằng những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay việc thực hiện chủ trương trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã có những kết quả cao. Tính đến ngày 7/5, tổng số hộ đủ điều kiện đã khởi công và hoàn thiện việc xây dựng, sửa chữa nhà ở là 423/622 hộ, đạt 68,0%.

Trong đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo 302/445 hộ, đạt 67,9%; gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ 70/89 hộ, đạt 78,7%; hộ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 51/88 hộ, đạt 58%. Tổng số hộ đã hoàn thành việc xây mới, sửa chữa 113 hộ.

Hiện có 79 hộ xin rút không tham gia chương trình với các lý do, chủ hộ tuổi cao về ở với con, trong gia đình có người ốm đau thường xuyên và kéo dài, hộ không thống nhất được phân chia đất đai để làm nhà với các thành viên trong gia đình, người có công chết trước thời điểm phê duyệt…

Đối với 120 hộ còn lại chưa khởi công, Ban chỉ đạo huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ đủ điều kiện đã được phê duyệt khẩn trương khởi công sửa chữa, xây mới đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch.

Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn hỗ trợ về ngày công, hiện vật, kinh phí để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khó khăn cố gắng phấn đấu xây dựng và sửa chữa nhà ở đảm bảo đủ ba cứng, gồm nền cứng, khung tường cứng và mái cứng.

Trường hợp bà Hà Thị Xuyến ở khu Bần 2 xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) thuộc diện đặc biệt do bà bị câm điếc bẩm sinh không có khả năng lao động. Được hưởng chính sách xóa nhà tạm, dột nát, anh em họ hàng trong gia đình đã đồng lòng giúp đỡ ủng hộ vật lực, làng xóm thì giúp sức ủng hộ ngày công xây dựng nhà cho bà.

Trường hợp bà Hà Thị Xuyến ở khu Bần 2 xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) thuộc diện đặc biệt do bà bị câm điếc bẩm sinh không có khả năng lao động. Được hưởng chính sách xóa nhà tạm, dột nát, anh em họ hàng trong gia đình đã đồng lòng giúp đỡ ủng hộ vật lực, làng xóm thì giúp sức ủng hộ ngày công xây dựng nhà cho bà.

Để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được hiệu quả, chính quyền địa phương đã huy sự đóng góp của các cá nhân, đoàn thể như: Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với các nhà hảo tâm, cơ quan đơn vị tổ chức hỗ trợ 6 hộ gia đình có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hỗ trợ 5 hộ gia đình có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 330 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn tổ chức vận động người dân trên địa bàn hỗ trợ gia đình có khó khăn xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ ngày công, nguyên vật liệu…

Ông Phùng Minh Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết: "Trong quá trình triển khai gặp không ít những khó khăn như: các hộ khởi công đồng loạt từ xây mới đến sửa chữa nhà ở dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực xây dựng tại địa phương.

Việc các hộ gia đình muốn thuê nguồn nhân lực tại địa phương để có giá thành thấp hơn so với thuê nhân lực ngoài địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như kế hoạch chung của toàn huyện.

Một số hộ đăng ký sửa chữa và đủ điều kiện được phê duyệt, tuy nhiên trong quá trình khởi công sửa chữa thì nhà ở xuống cấp quá không sửa được nên kiến nghị xin chuyển mục đích sang xây mới và ngược lại một số hộ đăng ký xây mới nhưng do kinh phí để xây mới nhà rất cao không đủ khả năng nên gia đình xin chuyển sang sửa chữa.

Gia đình anh Triệu Văn Kim tại khu Thành Công, xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) hưởng chính sách xây nhà mới. Đến nay, gia đình đã dọn vào ở.

Gia đình anh Triệu Văn Kim tại khu Thành Công, xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) hưởng chính sách xây nhà mới. Đến nay, gia đình đã dọn vào ở.

Vì là đặc thù những hộ thuộc diện dân tộc thiểu số, có những tập tục riêng khi làm nhà cũng khiến chính quyền địa phương rất đau đầu.

Để giải quyết những khó khăn đang bị vấp phải, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động khéo léo giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Đồng thời, thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định.

Thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện hỗ trợ cho người dân để đảm bảo đúng tiến độ.

Chị Hà Thị Ngân tại khu Thành Công, xã Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, vừa qua chính quyền địa phương thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát diện rộng trên địa bàn huyện, gia đình chị thuộc hộ nghèo may mắn được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà mới.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng gia đình vẫn phải vay mượn thêm, dù vậy nhưng đổi lại gia đình có một ngôi nhà kiên cố, nơi ở ổn định sẽ tạo tiền đề giúp gia đình chị Ngân cố gắng làm việc, phát triển kinh tế. Gia đình rất biết ơn Đảng và Nhà nước, chính quyền đã có những chương trình, hành động thiết thực giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn được ở trong những ngôi nhà mới kiên cố, yên tâm hơn.

Dù trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo và phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân, huyện Thanh Sơn vẫn đang từng bước hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng tiến độ đề ra. Đây là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, hướng tới một huyện phát triển bền vững, văn minh hơn trong tương lai.

Năm 2025, Phú Thọ phấn đấu hoàn thành việc xóa gần 3.400 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 2.016 hộ có nhu cầu xây mới và 1.356 hộ có nhu cầu sửa chữa với nguồn lực huy động lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh đã xác định rõ lộ trình, yêu cầu hoàn thành hỗ trợ cho các hộ có đất ở hợp pháp trước 30/6, các hộ khó khăn về đất hoàn thành trước 30/9 và đảm bảo tất cả hoàn thành trước 31/12.

Tính đến ngày 9/5, tỉnh Phú Thọ đã khởi công xây dựng, sửa chữa được 2.175 nhà trong tổng số 3.372 nhà được rà soát, phê duyệt cần hỗ trợ, đạt 64,5% kế hoạch với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Các công trình này, phấn đấu hoàn thành nghiệm thu, đưa toàn bộ các công trình vào sử dụng trước 30/10.

Kim Hương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thanh-son-xoa-nha-tam-dot-nat-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-192250512103318189.htm
Zalo