Thành Sơn xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua xã Thành Sơn (Bá Thước) đã chú trọng khơi dậy nguồn lực trong Nhân dân, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng để XDNTM. Thành Sơn hôm nay đang từng ngày 'thay da, đổi thịt' trên hành trình về đích NTM.

Xã Thành Sơn phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đến thôn Kho Mường vào những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi hòa vào đoàn khách du lịch nước ngoài cùng khám phá vẻ đẹp bản làng, ruộng bậc thang. Bí thư chi bộ thôn Kho Mường Lò Văn Tăng chia sẻ: "Kho Mường có 64 hộ dân với 245 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, Kho Mường là thôn đặc biệt khó khăn nên đời sống người dân thiếu thốn đủ bề. Không nói đâu xa, tuyến đường nối trung tâm xã Thành Sơn với thôn Kho Mường chỉ vài năm trước đã khiến nhiều người phải “chùn bước” vì độ khó khăn, hiểm trở. Nay tuyến đường đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, xây hệ thống lan can phía vực sâu, bảo đảm an toàn đi lại".
Năm 2017 huyện Bá Thước đã lựa chọn Kho Mường để xây dựng thôn NTM. Bám sát chỉ đạo của huyện, chi bộ đã tập trung lãnh đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể chính trị thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp tiền, kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để bê tông hóa 3km đường giao thông nội bản. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa kiên cố là điều kiện thuận lợi để thôn Kho Mường phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Chương trình 135 của Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn theo kiểu nhà sàn truyền thống, với kinh phí 500 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với sức dân, năm 2018 thôn Kho Mường đã về đích NTM.
Đi trên con đường bê tông dẫn đến hang Kho Mường (còn gọi là hang Dơi), anh Tăng phấn khởi cho biết: "Đây là con đường được Nhà nước đầu tư để phát triển du lịch. Điểm nhấn của Kho Mường mà du khách thích đến đó là hang Dơi - một trong những hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông".
Hiện Kho Mường có 13 hộ dân làm dịch vụ lưu trú dạng homestay; 3 hộ phát triển kinh tế gia trại trồng quýt hoi và cam bản địa, đang tạo việc làm cho 70 lao động trên địa bàn. Năm 2024, thôn đón khoảng 7.000 lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú. Nhờ phát triển du lịch và sản xuất hiệu quả nên thu nhập bình quân đầu người của thôn đã nâng lên 34 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch UBND xã Thành Sơn Nguyễn Chí Công cho biết: "Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã hiện có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch có điều kiện về an ninh trật tự. Trong đó, có 27 cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng ở các thôn Kho Mường, Nông Công, Báng và bản Pù Luông... Năm 2024, xã đã đón gần 32.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn xã. Du lịch phát triển cũng đồng nghĩa kinh tế của các hộ dân trong xã khấm khá hơn. Nhờ đó, Nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, chung sức XDNTM".
Song song với phát triển du lịch cộng đồng, xã Thành Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí NTM và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Năm 2024, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện XDNTM của xã Thành Sơn đạt trên 12,590 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 60 triệu đồng; vốn lồng ghép là 1,380 tỷ đồng; vốn tín dụng 11 tỷ đồng; vốn cộng đồng dân cư đóng góp là 150 triệu đồng. Từ nguồn vốn huy động được, xã đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, điện chiếu sáng... nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương.
Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết và đất đai của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, xã đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp kết hợp bón phân viên nén dúi sâu, với trên 80% diện tích lúa toàn xã; phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương, như mô hình nuôi vị Cổ Lũng cung cấp cho Khu du lịch sinh thái Pù Luông. Phát triển sản xuất hiệu quả đã giúp nhiều lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thành Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ XDNTM trong thời gian sớm nhất.