Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở - chìa khóa để Hà Nội phát triển bền vững
Hà Nội xác định việc xây dựng đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định.
Chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới thành phố thông minh
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, 70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần. Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững, được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô tổng kết tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành như: Kết luận số 131/1998, Nghị quyết số 11/2012, Nghị quyết số 15/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 15/2008 của Quốc hội; Luật Thủ đô và Luật Thủ đô sửa đổi; Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được Bộ Chính trị và Quốc hội cho ý kiến, Thành phố đang trình Chính phủ.
“Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở”, Tổng Biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng đánh giá, Hà Nội đi đầu cả nước thử nghiệm nhiều dịch vụ như học bạ điện tử, sổ khám bệnh điện tử, thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ công… Thanh toán thông minh hiện diện ngày càng rõ nét trong đời sống thông qua dịch vụ giao thông công cộng, hiện đại như tàu điện trên cao, xe bus, vé tham quan di tích, dịch vụ trông giữ phương tiện…
Dẫn chứng cụ thể về giao thông, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Thảo cho biết, hoạt động này đang được đẩy mạnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội là tăng cường áp dụng công nghệ hệ thống giao thông thông minh (ITS) để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn Thành phố đã bước đầu hình thành bao gồm: 2 tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã đi vào hoạt động; 11 tuyến buýt nhanh BRT và 152 tuyến buýt (trong đó có 10 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch - khí CNG). Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho hành khách và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước.
Hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột kết nối các dịch vụ công
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, từ việc thúc đẩy chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, cho đến triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số, đô thị thông minh.
Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố quan trọng trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế, giáo dục đến giao thông.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam đánh giá, mô hình đô thị thông minh/thành phố thông minh hiện đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp cũng như chất lượng sống của cư dân đô thị.
Hướng tới mô hình xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô Hà Nội, các giải pháp thanh toán điện tử được tích hợp, ứng dụng trong các lĩnh vực sẽ góp phần gia tăng tiện ích cũng như đem lại hiệu quả trong triển khai các hoạt động nói chung.
Tại Hà Nội, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn và hỗ trợ chính quyền Thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả.
Theo đó, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam và các ngân hàng thành viên đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để triển khai kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công... thông qua hạ tầng kỹ thuật ngân hàng mở. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường triển khai, kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng.
Về phía Ngân hàng nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong xu thế ngân hàng mở của những năm gần đây, chiến lược của các ngân hàng hiện nay là mở rộng, phát triển những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau.
Thực tế cho thấy, Việt Nam mặc dù chưa có tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật API chung cho ngân hàng mở nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động mở một phần dữ liệu của mình với bên thứ ba, triển khai API tương đối phổ biến. Các ngân hàng thời gian qua đã triển khai các Cổng API mở (Open API Portal) cho phép các bên thứ ba đăng ký kết nối, sử dụng API để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng đổi mới sáng tạo như VietinBank iConnect (2019), BIDV Open API (2023), OCB API Developer Portal…
Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức… các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như gọi xe/gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch....
Mặc dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: an toàn bảo mật, thách thức về công tác quản trị dữ liệu, thách thức về tiêu chuẩn chung.
Với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động ngân hàng mở để giúp các tổ chức tín dụng triển khai một cách có hệ thống, phục vụ khách hàng tốt hơn, qua đó giúp các tổ chức tín dụng giải quyết nhiều bài toán dịch vụ tài chính và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn./.