'Thành phố nhỏ gọn' - lời giải bài toán đô thị hóa bền vững

Các chiến lược tinh gọn thành phố như phát triển mật độ dân cư cao hơn và sử dụng đất hiệu quả có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng đô thị hóa tự phát.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phát triển và mở rộng đô thị đang là xu hướng của thế kỷ 21, đặc biệt rõ rệt ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Tuy nhiên, sự mở rộng không kiểm soát, đặc biệt ở các khu vực đang phát triển, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, vô gia cư và suy thoái môi trường.

Hiện nay, khoảng 70–75% tổng số tài nguyên thiên nhiên được tiêu thụ trong các khu vực đô thị. Lượng vật liệu tiêu thụ của các thành phố dự kiến sẽ tăng từ 40 tỷ tấn vào năm 2010 lên 90 tỷ tấn vào năm 2050, vượt quá khả năng cung cấp tài nguyên một cách bền vững của Trái Đất.

Dù sự phát triển đô thị là điều tất yếu, song nó cũng không đồng nghĩa với việc phải mở rộng mất kiểm soát về mặt không gian. Các chiến lược xây dựng thành phố nhỏ gọn, tập trung vào mật độ dân cư cao hơn và sử dụng đất hiệu quả, có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa tự nhiên.

Kết hợp nhiều chiến lược toàn diện

Các thành phố nhỏ gọn có đặc điểm là mô hình phát triển dày đặc, hệ thống giao thông công cộng có độ kết nối cao và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ địa phương và cơ hội việc làm. Do đó, chúng có thể cung cấp một giải pháp thay thế phù hợp để đáp ứng nhu cầu của các khu vực đô thị đang phát triển. Các thành phố nhỏ gọn cũng làm giảm tác động đến môi trường, với khoảng cách từ nội đô đến ngoại thành ngắn hơn và ít phụ thuộc vào phương tiện cá nhân hơn.

Ảnh minh họa: Yellow Korner

Ảnh minh họa: Yellow Korner

Nhiều chiến lược tinh gọn không gian thành phố theo hướng toàn diện hơn có thể ngăn ngừa tình trạng đô thị hóa tự phát và bảo vệ thiên nhiên ở các khu vực ngoại thành, đồng thời kiểm soát giá bất động sản và đảm bảo tính khả dụng của nhà ở giá rẻ. Các chiến lược này bao gồm:

Thực hiện các chiến lược ranh giới tăng trưởng đô thị như đã thấy ở những thành phố như Portland (Mỹ), Melbourne (Australia) và Bangalore (Ấn Độ). Mục đích của ranh giới tăng trưởng đô thị là hướng sự tăng trưởng đến các khu vực được trang bị cơ sở hạ tầng và dịch vụ phù hợp, đồng thời bảo vệ các vùng đất có giá trị ở ngoại ô khỏi những áp lực từ sự phát triển đô thị.

Thực hiện các giải pháp nhà ở bền vững và giá rẻ thay vì nơi trú ẩn tạm thời để đảm bảo khả năng sinh sống lâu dài. Tại thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), một số khu vực được phép có mật độ dân số cao hơn với điều kiện mọi cư dân phải được cấp nhà ở giá rẻ.

Áp dụng thuế giá trị đối với các mảnh đất tăng giá từ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng giúp khuyến khích phát triển trên các nền đất hiện có thay vì mảnh đất mới. Doanh thu từ các khoản thuế này có thể dùng để cải thiện không gian công cộng thông qua việc trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên. Hình thức huế giá trị đất đã được áp dụng ở thành phố Pennsylvania (Mỹ), Đặc khu Hành chính Hong Kong và đảo Đài Loan (Trung Quốc), cùng các quốc gia Kenya, New Zealand, Australia, Đan Mạch, Estonia và Singapore.

Thực hiện phân vùng bao quát, kiểm soát và ưu đãi tiền thuê nhà sẽ giúp cân bằng giá đất và nhà ở, thúc đẩy sử dụng đất hiệu quả và nhà ở giá rẻ. Tại Kuala Lumpur (Malaysia), việc tăng mật độ và phát triển theo hướng quá cảnh đã làm giảm việc sử dụng đất và khoảng cách đi lại, trong khi ưu đãi 30% cho việc tái phát triển đất hoang gần các khu vực quá cảnh trên đã đáp ứng hầu hết nhu cầu nhà ở của người dân.

Tận dụng quan hệ đối tác công tư, trong đó các nhà đầu tư tư nhân và chủ sở hữu đất trao đổi tài sản bằng các quyền xây dựng. Điều này cho phép thành phố trao đổi các khu vực có thể xây dựng với các đơn vị nhà ở xã hội và quản lý đất để phát triển các cơ sở, không gian công cộng và bảo tồn thiên nhiên. Dự án Lagos de Torca ở Bogota (Colombia) là ví dụ điển hình cho quan hệ đối tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội, phục hồi các vùng nước và cung cấp hệ thống giao thông bền vững.

"Nhỏ" nhưng phải "không dễ bỏ"

Do các thành phố thường phát triển và mở rộng không gian mà không theo một kế hoạch cụ thể nào, nên tính cấp thiết của việc thu hẹp khoảng cách trong các dịch vụ cơ bản và cung cấp cơ sở hạ tầng sẽ vẫn tồn tại. Do đó, các kế hoạch phải được liên tục xem xét và cập nhật.

Bất kỳ chiến lược quy hoạch nào cũng phải đi kèm với các chính sách hợp lý để tránh việc hình thành các thành phố "nhỏ nhưng dễ vứt bỏ", thiếu khả năng tồn tại lâu dài. Do đó, các chiến lược tăng mật độ dân số phải đi kèm với việc khuyến khích hiện đại hóa và giám sát việc tiêu thụ tài nguyên, hệ thống giao thông và trong một số trường hợp, kiểm soát cả các khu định cư không chính thức.

Quy hoạch thành phố cũng phải bao gồm việc đầu tư đáng kể vào các dự án cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường bộ, hệ thống giao thông công cộng, công viên đô thị, cơ sở công cộng và tiện ích, tính đến cách các dự án này sẽ ảnh hưởng đến thiên nhiên và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất. Cùng với những nỗ lực này, các chính phủ phải tăng cường các dịch vụ xã hội, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Để các thành phố có được sự cân bằng giữa tăng trưởng đô thị và ảnh hưởng tích cực với thiên nhiên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang hợp tác với công ty tư vấn Oliver Wyman để xây dựng các khuôn khổ, gồm hướng dẫn và hành động để tạo môi trường thuận lợi cho các thành phố nhỏ gọn phát triển.

Dù vậy, việc nhanh chóng phổ biến mô hình này đòi hỏi sự nỗ lực của mọi quốc gia. Trong đó, các lãnh đạo cần có sự đổi mới về tư duy, kiến thức và có đủ tầm nhìn để có thể vạch ra những định hướng phát triển đúng đắn trong những thập kỷ tới.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thanh-pho-nho-gon-loi-giai-bai-toan-do-thi-hoa-ben-vung.html
Zalo