Thành phố Hồ Chí Minh: Trường học an toàn trong ngày đầu đón học sinh đến lớp

Sáng 4-5, khoảng 170.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh... đến lớp, sau 3 tháng nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

An toàn khi đến lớp

Trong ngày đầu tiên đến trường, các em học sinh không học các môn học, mà được giáo viên tập trung trang bị thêm kiến thức phòng, chống dịch Covid-19; thống nhất cách bố trí lớp học mới, thực hiện giảm bớt số học sinh trong một phòng học theo quy định giãn cách trong trường học.

Tại Trường THCS Bình Thọ (quận Thủ Đức), học sinh rất bất ngờ khi các thầy, cô giáo đã chuẩn bị những chiếc máy rửa tay tự động ở hai bên lối vào sân trường. Với mắt cảm biến, người dùng chỉ cần đưa tay vào ở khoảng cách phù hợp, máy sẽ tự động nhận biết rồi truyền tín hiệu để bơm ra nước sát khuẩn. Máy sẽ ngừng phun sau 2 giây với định lượng được cài đặt trước giúp sử dụng tiết kiệm dung dịch.

Học sinh Trường THCS Bình Thọ (quận Thủ Đức) sử dụng máy rửa tay khử khuẩn tự động trước khi vào trường.

Cô Võ Hoàng Yến, Tổng Phụ trách Đội, người cùng 4 thầy cô trong Chi đoàn Giáo viên hỗ trợ thực hiện sản phẩm này, cho biết, đây là công trình măng non của Liên đội trường THCS Bình Thọ thực hiện. "Máy hoạt động tự động, học sinh không phải trực tiếp tiếp xúc với máy, nên giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19", cô Yến cho biết.

Còn tại Trường THPT Nam Sài Gòn (quận 7), Phạm Minh Hiếu, học sinh lớp 12A2 đến trường lúc 7h, mang theo túi đồ được cha mẹ chuẩn bị từ tối hôm trước, gồm khẩu trang dự phòng, nước rửa tay diệt khuẩn. Tuy nhiên, ngay tại cổng trường, em đã được các giáo viên đo thân nhiệt, nhắc rửa tay và phát 9 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, đủ dùng trong 3 tháng.

"Em rất bất ngờ với món quà đầu tiên này. Nó làm chúng em tự tin hơn khi đến trường", Phạm Minh Hiếu nói.

Tại Trường THCS-THPT Duy Tân (quận 5), theo cô Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống trường Duy Tân, thực hiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm trong cơ sở giáo dục, nhà trường đã chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất theo quy định. "Trong các lớp học, học sinh được bố trí ngồi cách nhau ít nhất 1m", cô Nguyễn Thị Sơn nói.

Tính đến 10h hôm nay, theo thống kê ban đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, chưa có trường hợp nào đáng lo ngại nào về nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố khi học sinh trở lại trường. Mọi học sinh đều được phát miễn phí 9 khẩu trang vải kháng khuẩn để sử dụng từ nay đến khi kết thúc năm học.

Học sinh Trường THCS-THPT Duy Tân (quận 5) thực hiện giãn cách trong lớp học.

Vẫn còn những khó khăn

Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở giáo dục do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh ban hành và các quy định về phòng, chống dịch trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ: Các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện khai báo y tế cho cán bộ, giáo viên, học sinh; tổ chức đo thân nhiệt những người đến trường; có nơi cách ly người có biểu hiện ho, sốt và trang bị đầy đủ các vật tư, thiết bị phòng chống dịch, đảm bảo giãn cách ít nhất 1m...

Các ý kiến chung của các phòng giáo dục và đào tạo, các quận, huyện, ban giám hiệu các trường, cơ sở giáo dục đều thống nhất: Trong các tiêu chí nêu trên, điều khó thực hiện nhất là đảm bảo giãn cách học sinh, giáo viên trong lớp học, bởi điều này liên quan đến sĩ số học sinh, số lượng giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của mỗi trường.

Thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) cho biết, để thực hiện đúng tiêu chí giãn cách, nhà trường bố trí 800 học sinh khối 12 học cách ngày. Cụ thể, các lớp A thì học thứ hai - tư - sáu, lớp B học thứ ba - năm - bảy và sang tuần thì thay đổi ngược lại. Tuy nhiên, từ ngày 8-5, các khối lớp khác cũng lần lượt đến trường, sẽ khó khăn hơn khi bố trí lớp học.

Tại các quận vùng ven hoặc các địa bàn đông dân cư như Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp..., các trường thường rất đông học sinh (trên 1.500 em). Nhiều trường đã phải lên kế hoạch chia các khối lớp học sáng, học chiều, học cách ngày... để đảm bảo giãn cách, nhưng phát sinh khó khăn mới là không đủ giáo viên đứng lớp, hoặc giáo viên sẽ rất vất vả để đảm bảo chương trình học.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, phương án khả thi trước mắt là vừa kết hợp học trên lớp, vừa cho phép giáo viên, học sinh tiếp tục duy trì học trực tuyến.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đề xuất, ngành Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thiện cơ chế công nhận kết quả học trực tuyến để giáo viên và học sinh thực hiện đúng, đủ chương trình học theo quy định trong bối cảnh vẫn phải triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bích Ngọc - Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/966425/thanh-pho-ho-chi-minh-truong-hoc-an-toan-trong-ngay-dau-don-hoc-sinh-den-lop
Zalo