Người gùi chữ lên nương
(Đăng Báo Bình Phước, 24-1-1998)
T.H
Trong hội nghị tổng kết 5 năm công tác xóa mù chữ của tỉnh Bình Phước (1992-1997), nhiều người chú ý đến gương mặt một phụ nữ trẻ khi chị được giới thiệu lên báo cáo thành tích trước hội nghị. Càng ngạc nhiên hơn khi biết chị là người Khơme, đã có 5 năm đóng góp một cách xuất sắc trong công tác này.
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao của hội nghị, tôi gặp gỡ làm quen với chị. Vào cái tuổi 30, chị Phạm Thị Hoa là phụ nữ duy nhất có trình độ văn hóa lớp 7, ở một ấp có 100% đồng bào dân tộc. Ấp Chà Là (Lộc Thành - Lộc Ninh) của chị thuộc xã vùng biên giới, có tới 95% người mù chữ. Nơi đây, những hủ tục mê tín ma chay, bùa ngãi vẫn còn tồn tại như một thứ tín ngưỡng trong đời sống bà con. Nơi cái ăn, cái mặc luôn là nỗi lo triền miên của những người dân vốn quanh năm chỉ biết đến cái rẫy, con trâu cày. Cuộc sống đã khó khăn thiếu thốn nhưng chuyện sinh đẻ vẫn như một vòng luẩn quẩn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những đứa trẻ lớn lên chỉ biết quanh quẩn với việc nhà: nào phải trông em, coi trâu, bò, có đứa mới 8-9 tuổi đã trở thành lao động chính của gia đình.
Từ khi có chương trình phối hợp thực hiện công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học giữa ngành giáo dục - đào tạo và bộ đội biên phòng; được sự vận động của Đồn biên phòng 809 đóng trên địa bàn xã, chị Hoa đứng ra nhận dạy chữ cho con em trong ấp. Ban đầu chị cùng với cán bộ chiến sĩ biên phòng vào rừng lấy gỗ về dựng trường, lớp. Có lớp, bàn ghế rồi phải đến từng nhà vận động con em đến trường. Nhiều gia đình chưa nhận thức đúng việc học tập, sợ mất đi một lao động trong nhà nên đã không cho con em đến lớp. Có gia đình ở hẳn sâu trong rẫy cách nơi bà con ở hàng chục cây số.
Thu xếp được công việc nhà đã khó, chị Hoa đã không quản ngại khó khăn đến từng hộ gia đình có con em đến độ tuổi đi học, giải thích điều hay lẽ phải của việc học chữ. Sự kiên trì nhẫn nại và tấm lòng yêu trẻ đã không phụ chị. Sau một thời gian ngắn, lớp học đã hình thành. Đến nay đã có 96 em đang học tại 5 lớp đều do chị phụ trách. Cùng sống trong ấp nên chị Hoa hiểu được tâm tính học trò: thích thì học, không thích thì nghỉ. Chưa kể những ngày mùa nhiều em phải nghỉ học lên rẫy phụ gia đình. Những ngày đó, để lớp học duy trì, cô giáo đã cùng các chiến sĩ Đồn 809 tổ chức giúp đỡ nhiều ngày công, tạo điều kiện để các em trở lại trường. Có khi phải mang chữ vào tận sâu trong rẫy để trực tiếp dạy những em không về lớp được.
Học sinh của cô giáo phần lớn không có thời gian để đầu tư cho việc học nên tiếp thu bài chậm, dễ quên. Là người có tính nhẫn nại và tâm huyết với công việc nhưng đã có lúc cô giáo cũng thấy nản lòng. Chị Hoa đã tâm sự với tôi một cách giản dị: Bà con mình còn nghèo, lạc hậu lắm. Mình nghĩ muốn thoát khỏi lạc hậu, đói nghèo, theo kịp người Kinh thì phải có cái chữ để hiểu biết về đời sống xã hội và biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống để đi lên.
5 năm uốn nắn từng nét chữ, dạy từng con số, phép tính cho các em, chị Hoa đã làm được điều mà chính quyền xã nơi đây mong mỏi. Niềm vui cũng đến với chị trong lần dự hội nghị lần này: chị được UBND tỉnh tặng bằng khen về những đóng góp trong 5 năm qua, được quyết định biên chế chính thức của ngành giáo dục.