Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án BOT
Chiều 20/2, Kỳ họp thứ 21 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10 đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án hạ tầng kết nối giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết của Kỳ họp. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Chiều 20/2, Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10 đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án hạ tầng kết nối giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức đối tác công tư, áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) với tổng mức đầu tư khoảng 57.503 tỷ đồng.
Theo đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành) với chiều dài khoảng 8,6 km, quy mô 10 làn xe với tổng kinh phí khoảng 9.894 tỷ đồng.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) có chiều dài 8,03 km, 10 làn xe có tổng vốn đầu tư khoảng 10.424 tỷ đồng.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có chiều dài tuyến khoảng 9,62 km, quy mô từ 10-12 làn xe, có tổng mức đầu tư khoảng 16.285 tỷ đồng.
Phê duyệt chủ trương đầu tư Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) có chiều dài tuyến khoảng 5,9 km, quy mô 10 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 20.900,85 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện các dự án nói trên là từ năm 2025-2028.
Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tổ chức công bố thông tin quyết định chủ trương đầu tư, đăng tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm theo đúng quy định; tổ chức lập, trình thẩm định, quyết định đầu tư dự án thành phần theo đúng quy định; báo cáo Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh việc bố trí vốn cho dự án ở giai đoạn tiếp theo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Riêng đối với Dự án Nâng cấp đường trục Bắc-Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành), Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu thêm Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm xem xét, chỉ đạo việc tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định tư thành dự án thành phần và giao đơn vị có chức năng thực hiện theo quy định các số liệu tổng mức đầu tư, phương án tài chính; các ưu đãi, đảm bảo đầu tư được xác định chính xác hơn trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và khi xuất hiện các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, quyết định./.