Thành phố Hồ Chí Minh phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò động lực tăng trưởng của cả nước, đồng thời là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Ðông Nam Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, thành phố luôn khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Thời gian gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Những con số tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Phát huy hiệu quả nội lực

Ngày 22/12/2024, tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên chính thức khai trương sau nhiều năm chờ đợi. Hàng nghìn người tại ga Bến Thành vui mừng, hứng khởi khi được khám phá phương tiện giao thông hiện đại. Chị Trịnh Thị Mai Hương (thành phố Thủ Ðức) chia sẻ, từ ngày tuyến metro số 1 đi vào hoạt động, chị thay đổi thói quen đi làm bằng xe máy. "Giờ đây, mỗi sáng tôi đến ga Bình Thái rồi bắt tuyến metro đến ga Nhà hát Thành phố, đi bộ vài phút là đến nơi làm việc".

Tuyến metro số 1 hiện đại đi vào hoạt động là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế-xã hội thành phố năm 2024, với nhiều điểm sáng. Ðây là tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự chuyển mình về cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, hướng đến giao thông xanh, bền vững của thành phố. Nhìn lại năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước thời cơ và thách thức đan xen.

Trong bối cảnh đó, Thành ủy đã xác định chủ đề năm 2024 là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98 của Quốc hội"; đồng thời thống nhất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu, trong đó quyết tâm cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5%-8%. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Ðảng bộ, chính quyền thành phố đã phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ, khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn, cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Kết thúc năm 2024, thành phố cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Tăng trưởng GRDP đạt gần 7,2%; thu ngân sách trên địa bàn cả năm lần đầu vượt hơn 500 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Hai nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2024 là thực hiện Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội đạt kết quả khá tích cực. Thành phố đã dành nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy, Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua "cơn gió nghịch" kể từ năm 2021 khi kinh tế thành phố rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm 4,1% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trở thành cú sốc nặng nề trong gần 40 năm đổi mới. Tuy nhiên nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Trung ương, sự hỗ trợ của các địa phương, cùng với sự quyết tâm, dấn thân của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân... thành phố đã vượt qua những trở ngại từ bên trong lẫn sự tác động từ bên ngoài để đạt tăng trưởng 5,81% năm 2023 và đạt gần 7,2% trong năm 2024.

Ðáng chú ý, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 6 giải pháp trọng yếu và là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 44 cơ chế, chính sách đặc thù trên 7 lĩnh vực được coi như bước đầu tháo gỡ thể chế trong giai đoạn mới hiện nay. Ðây được xem như nền tảng, tiền đề quan trọng giúp thành phố huy động các nguồn lực xã hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để tiếp tục là hạt nhân, là cực tăng trưởng của cả nước, hướng tới phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, có vị thế trong khu vực Ðông Nam Á, châu Á.

Giữ vững vai trò "đầu tàu"

Mỗi bước tiến của Thành phố Hồ Chí Minh đều tạo những tác động mạnh mẽ, góp phần định hình sự phát triển toàn diện của cả nước. Nhiều mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý của Ðảng bộ và chính quyền thành phố, cùng phương thức tổ chức phát triển kinh tế-xã hội và đô thị đã được nhân rộng, trở thành nguồn cảm hứng cho các địa phương, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo vì sự phát triển chung. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, dù tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, nhưng vị trí, vai trò ấy của thành phố có dấu hiệu suy giảm trong thời gian qua. Chính vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những chính sách phù hợp tháo gỡ điểm nghẽn, những động lực mới để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngay từ đầu năm 2025, thành phố thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế và Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, chiến lược, giải pháp đột phá; tạo ra một động lực mới thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, tạo nền tảng để thành phố cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới. Ðây cũng là khát vọng của người dân thành phố mang tên Bác về một thành phố văn minh, hiện đại, chất lượng sống tốt, một đô thị thông minh, bền vững trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang đứng trước cơ hội lớn để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu trong giai đoạn phát triển mới. Ðể thực hiện khát vọng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào những công trình, dự án làm thay đổi thành phố theo tầm nhìn của Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị. Theo đó, thành phố cần triển khai nhanh và hiệu quả Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Ðiều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trong năm 2025; xây dựng các đề án, dự án cụ thể để bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư.

Thành phố cần tập trung xử lý nhanh, hiệu quả các công trình, dự án tồn đọng trong nhiều năm nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa chung. Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Ðại học Indiana (Mỹ), sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cần đặt trong bức tranh gắn kết vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, hướng ra Biển Ðông, kết nối ASEAN. Thành phố cần phát triển với tầm nhìn "một trung tâm, ba hành lang", xây dựng trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế là thành phố Thủ Ðức gắn với trung tâm hiện hữu và xây dựng 3 hành lang gồm Tây Nam gắn với Ðồng bằng sông Cửu Long; phía tây kết nối với Campuchia qua Tây Ninh và Tây Bắc kết nối với Tây Nguyên qua Bình Dương và Bình Phước.

"Ðây không chỉ có ý nghĩa về không gian phát triển, tầm nhìn này còn mang thông điệp chính sách và chính trị rất mạnh mẽ. Ðó là phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu của thành phố, tạo cơ hội phát triển và sự gắn kết, cũng như phát huy sức mạnh và tiềm năng của các địa phương trong vùng", Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cho biết.

Tại Hội nghị Công bố quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thành phố cần mở ra không gian đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách mới để xây dựng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp tục phát huy vai trò động lực của khu vực và cả nước. Với truyền thống cách mạng kiên cường, thành phố Anh hùng, sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, tin tưởng rằng thành phố mang tên Bác sẽ luôn thể hiện bản lĩnh vượt qua mọi thử thách, phát huy tốt vai trò đầu tàu, cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-huy-vai-tro-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-post858424.html
Zalo