Thành phố Hồ Chí Minh di dời toàn bộ nhà trên và ven sông kênh rạch

Các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thương mại dịch vụ...

Khu nhà ven kênh Tẻ, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu nhà ven kênh Tẻ, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố còn 398 dự án/tuyến sông, kênh, rạch chưa triển khai thuộc 16 quận, huyện và thành phố Thủ Đức với tổng quy mô di dời khoảng 39.600 căn.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án với mục tiêu phấn đấu năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố; khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, thực hiện chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất dọc sông kênh rạch để phát triển kinh tế.

Liên quan đến nguyên tắc về tài chính để triển khai thực hiện, Sở Xây dựng Thành phố cho biết đối với việc bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng tất cả các tuyến sông, kênh, rạch và công tác nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng... dọc sông, kênh, rạch được thực hiện bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước. Đối với quỹ đất lớn sau di dời, giải phóng mặt bằng việc khai thác được thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đấu giá để nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch.

Các dự án xây dựng các khu tái định cư, nghiên cứu phương án do Nhà nước thực hiện đầu tư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện; đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau đó khai thác chủ yếu cho thuê và xem xét, giao cơ quan, đơn vị sự nghiệp tại địa phương thực hiện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Theo nguyên tắc xây dựng triển khai thực hiện, ngân sách nhà nước cần phải có khoản để phân bổ cho việc bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà xã hội và nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng... Tạm tính tổng kinh phí phân bổ ban đầu là 221.370 tỷ đồng.

Trong số đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách bồi thường, tái định cư là 130.680 tỷ đồng; chi phí xây dựng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường, tái định cư là 10.692 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, cải tạo sông kênh rạch là 80.000 tỷ đồng.

Sau khi triển khai thực hiện đề án, các khu đất dọc sông, kênh, rạch có thể được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các dự án thương mại dịch vụ... Dự kiến kinh phí thu lại khoảng 164.111 tỷ đồng.

Để đạt các mục tiêu trên, giải pháp thực hiện di dời nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn Thành phố, chỉnh trang đô thị đã được Sở Xây dựng dựng thành phố đề xuất triển khai. Theo đó, về giải pháp tài chính, thành phố tập trung nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện công tác di dời nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với địa bàn trọng điểm, dự án trọng tâm.

Xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, khuyến khích hình thức đối tác công tư (PPP) trong việc thực hiện di dời, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sống trên và ven sông kênh rạch; thực hiện chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị. Rà soát danh sách các quỹ đất khác do Thành phố đang quản lý, sử dụng không hiệu quả để đề xuất khai thác, bán đấu giá.

 Khu nhà ven kênh Đôi, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu nhà ven kênh Đôi, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thành phố xây dựng cơ chế và chính sách về quy hoạch đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội theo hướng điều chỉnh mục tiêu, tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhằm tăng giá trị sử dụng đất đảm bảo tỉnh khả thi triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; lập kế hoạch.

Ngoài ra, thực hiện phát triển quỹ nhà ở phục vụ tái định cư thông qua việc đầu tư xây dựng mới nhà ở tái định cư, sử dụng nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, đảm bảo mục tiêu cân đối quỹ nhà tái định cư cho di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh, rạch. Cùng với đó, thành phố cần xây dựng, triển khai phương án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sau giải tỏa di dời nhà trên và ven sông kênh rạch, nhằm phát huy đặc trưng cảnh quan sông nước tự nhiên của đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các giải pháp hậu di dời, Sở Xây dựng thành phố đề xuất xây dựng Đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện giải pháp hậu di dời nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau khi di dời, như hỗ trợ về sinh kế và việc làm, hỗ trợ về tài chính và an sinh xã hội, chính sách tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng, chính sách đảm bảo quyền lợi pháp lý và thủ tục hành chính. Đồng thời, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ gia đình, cá nhân có nhà ở trên và ven sông kênh rạch thuộc diện phải di dời, bố trí tái định cư nơi ở vị trí khác để quản lý và trợ giúp, hỗ trợ người lao động...

 Khu nhà ven kênh Tẻ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Khu nhà ven kênh Tẻ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sở Xây dựng thành phố đề xuất thực hiện thí điểm tại quận 8 là địa bàn trọng điểm để Thành phố tập trung nguồn lực, xem xét, giải quyết các khó khăn vướng mắc và làm cơ sở để ủy ban nhân dân các quận-huyện, thành phố Thủ Đức nghiên cứu, xem xét, dự kiến phương thức triển khai thực hiện công tác di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sống trên và ven sông kênh rạch. Riêng cơ sở công tác triển khai thực hiện tại địa bàn quận 8, ủy ban nhân dân các quận-huyện, thành phố Thủ Đức chủ động xây dựng Đề án triển khai thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sống trên và ven sông kênh rạch, cải tạo, chỉnh trang đô thị phù hợp đặc thù từng địa phương.

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1993 đến năm 2025, Thành phố đã di dời, giải phóng mặt bằng 44.338 căn nhà trên và ven kênh rạch thuộc các tuyến kênh rạch chính và các chi lưu, điển hình như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, lưu vực Tàu Hũ-Bến Nghé và lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm; các dự án cải tạo các tuyến kênh rạch (kênh Cầu Mé, kênh Hàng Bàng, kênh Nước Đen và các chi lưu Nhiêu Lộc-Thị Nghè); tuyến Kênh Đôi Kênh Tẻ; tuyến Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên (giai đoạn 1)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-di-doi-toan-bo-nha-tren-va-ven-song-kenh-rach-post1013362.vnp
Zalo