Chuyện xưa ai người còn nhớ?
Chờ nắng mới, mùa sang, đếm những bông hoa gạo cuối của rét nàng Bân năm nay cứ ngỡ nếp nghĩ chạy đua với những đổi thay. Thế mà không ngờ, nhìn xoan lên lá non, thấy người mang dây sắn đi bán cho người trồng vụ sắn dây mới, ký ức lại trở về những xưa.

Một phiên chợ đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu.
Xưa, phiên chợ làng, phiên chợ tổng luôn được cả người bán lẫn người mua háo hức chờ. Từ tờ mờ sáng người làng trên xã dưới, người bên lở bên bồi kĩu kịt những gánh gồng, những xe thồ đưa hàng về chợ. Sáng bảnh là hàng hóa đã bầy biện chất ngất, đến mức khối người bảo “Đi chợ chỉ thiếu hàng tiền’’. Đúng thật, nhất là sau khi mở cửa, thông thương, hàng trong nước, hàng nhập khẩu đã về ngập chợ làng. Ấy thế nhưng, có lẽ cũng từ độ ấy chợ làng vắng bóng hàng “Nhuộm quần áo’’ mà người quê vẫn gọi là “Ruộm quần áo’’. Cái nghề bị xóa sổ, bị lãng quên nhanh chóng vì khi kinh tế khá đám trẻ hay may sắm con nhà có điều kiện còn mặc theo mốt, theo mùa. Hết mùa là dọn tủ đem cho nhà ai có nhu cầu hay đem từ thiện đến những vùng sâu, vùng xa còn khốn khó. Rồi, có cả mênh mông “chợ thời trang trên mạng’’ hàng hóa bốn biển năm châu đều được ship về từng nhà thì ai người còn lo đi nhuộm lại cái quần áo cũ bạc cho nó tươi nâu hay đen nhanh nhánh.
Nhớ lại và so sánh không khỏi ngậm ngùi. Ngày ấy, khốn khó, cơm chẳng đủ ăn còn phải ăn độn sắn, khoai, mì, hạt bo bo thì quần áo ai dám mơ đẹp, chỉ đủ mặc lành và ấm đã là may mắn. Nói không ngoa, ngày ấy vải vóc, quần áo có thể được coi là tài sản. Việc mượn nhau cái áo, cái quần mặc đi đám cưới hay một sự kiện nào đó là bình thường. Kiểu như ra mắt nhà bạn gái mà không có cái áo tươm tất, thì đương nhiên phải mượn rồi. Hay là, mấy người được mời đi phù dâu, phù rể cũng không phải ai cũng sẵn quần lành, áo tốt, mượn được một bộ cánh đẹp ra mắt “hội hôn” cũng là việc nên làm và được mọi người ủng hộ chứ không cười chê bao giờ.
Ngày ấy, tấm áo manh quần bạc như lẽ đương nhiên, vì vải và quần áo may sẵn cũng như tất cả lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đều phân phối. Có khi chờ dài cổ vẫn không đến lượt hay bốc thăm mãi vẫn chẳng may mắn thì đành chịu thôi. Tích kê, mụn vá, con mặc cùng bố mẹ, em mặc lại của anh chị cũng là chuyện đương nhiên. Tấm áo manh quần nào cũng bạc thếch, cũ mèn, nhưng có thế nào thì nó vẫn xếp sau việc lo ăn trước. Lại thế nhưng, không thể cũ rích, cũ mèm và không tươm tất được, chỉ cần qua tay người thợ nhuộm, cụ thể là quần ấy, áo ấy, dấp nước, nhúng vào cái chảo gang lưng lửng thứ nước đen kịt kia đun sôi sình sịch một khoảng thời gian, rồi vắt lên cái sào cho rích nước và đem phơi cho khô thế là tấm áo, manh quần có thể nói là gần như mới luôn.
Xưa, ở những chợ lớn, chợ làng hay chợ tổng thường có người làm nghề nhuộm quần áo thuê, có thể là nhuộm nâu hay nhuộm đen - chủ yếu là nhuộm đen. Hàng nhuộm này thường có chỗ ngồi trong cầu chợ đàng hoàng hay riêng một khoảnh, vì đặc thù công việc liên quan đến củi lửa, sào phơi.
Phải nói rằng ngày xưa vải mộc, sợi tự nhiên giặt có phai, có bạc, đến mức bạc thếch nhưng được cái nhuộm lại rất ăn màu. Ngày ấy mấy người có áo quần vải lon, vải popalin, vải tuýt si… cái áo vải hoa chéo nhà máy dệt 8/3, cái áo vải valize đã quý lắm rồi, phần lớn là những vải gụ, lụa, sa tanh, ca tăng… Nắng thì chài chãi, mùa đông, mùa hè những quần lụa, quần sa tanh chị em cũng đều diện cả thành thử nó cứ bạc thênh thếch cả. Nhà dăm ba người, hay nhà 3,4 thế hệ các cụ, các ông các bà, con cháu đống có dư dả thì cả năm mới được sắm sanh áo quần, dép mới một lần. Nhưng khăn nhung the, những khăn vấn đen có khi phải Tết mới đem ra dùng, còn quanh năm bà cứ phải vấn tóc bằng cái khăn nâu đã bạc.
Được mùa đã đành, những năm mất mùa, gạo kém, thức ăn đắt đỏ có khi con dâu chỉ dám mua biếu bà cái quần mới, còn mình thì tần ngần đi “ruộm” lại cái quần lụa cũ.

Tranh phục của phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Chợ phiên thì đông, người ế hàng phải chào mời cứ phải liên mồm, chứ bà thợ nhuộm thường không ngơi tay. Bà thường đi sớm, nhóm bếp, củi lửa cháy đượm thì cũng là lúc bà nhận được mấy món hàng. Thường là những cái quần lụa, quần ca tăng đã bạc, được gấp, cuộn lại cẩn thận. Bà cũng phải đính cái số vào hàng ấy, cho vào chậu dấp nước cẩn thận rồi mới cho vào chảo. Cái quần nhanh chóng ngậm nước nhuộm và được bà lật dở vài lần. Lửa đượm, bớt lửa thế nào phải một tay bà áng, mẻ nhiều, mẻ ít pha thuốc thế nào cũng một tay bà. Với người làng thì “thuốc ruộm” của bà bao giờ cũng là sự bí hiểm. Vì mọi người chỉ biết nhuộm nâu là dùng củ non giã lọc, lấy nước ngâm chứ nhuộm đen và nhuộm thế này là dùng hóa chất, hóa chất gì thì nào ai biết.
Thường thì những người đưa đồ sớm, đến vãn chợ là được nhận lại quần áo ướt đem về. Vì chừng đó thời gian là đủ “ruộm”, còn những người đi chợ muộn không kịp nhuộm hàng bà phải hẹn ngày sau hoặc phiên chợ sau mới trả được hàng.
Đành rằng mất một ít tiền, thế nhưng khi mặc vào cái quần đen nhanh nhánh ai chẳng thích, hơn là mặc cái quần cũ, đi ăn cỗ, đi họp ngại chết đi được. Và ai cũng nghĩ thế nên bà thợ nhuộm đắt hàng là phải.
Có những chợ, có những người truyền cả nghề đến đời con, kể ra thế để thấy rằng nghề nhuộm quần áo này đã tồn tại một chặng khá dài. Cho mãi đến những năm cuối của thế kỷ 20, nghề nhuộm này vẫn còn mạnh. Đành rằng, sau khi xóa bỏ bao cấp, chợ tỉnh, chợ huyện vải vóc đã nhiều lên trông thấy. Những sạp vải lớn trong thành phố, vải ngút ngàn, cả phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm, Hàng Ngang, Hàng Đào…quần bò nhiều vô kể, thu hút đám trẻ - nhất là cánh sinh viên các trường đại học trong thành phố. Nhưng cái quần bò đen, cái quần bò xanh rêu ngày ấy sau những lần giặt tay, chà bàn chải, xà phòng bột mãi cũng trở nên bạc thếch. Thế là các bà, các bác thợ nhuộm ở chợ tỉnh, chợ quê vẫn dồi dào việc. Có những cái Tết, những chàng và nàng sơ vin cái quần đen nhánh là nhuộm từ cái quần bò rêu bạc mà thành. Hay cái quần bò đen đã được ngâm phèn chua qua đêm, rũ và đem phơi khô rồi mới mang đi nhuộm. Thủ thuật này đám hay nhuộm mách nhau…
Và những cái Tết vào những năm thập niên cuối thế kỷ trước nghề nhuộm hấp vẫn còn phát triển lắm.
Chợ Tư quê ngoại thành của tôi cũng có một bà thợ nhuộm, bà tên là gì không ai nhớ, chỉ biết cả làng cả vài làng người đi chợ Tư đều gọi bà là bà “Thợ ruộm”. Bà rất đẹp lão, da trắng, mặc cả bộ đồ đen nhánh, cổ tim, bà búi tó, môi ăn trầu cắn chỉ, phiên chợ nào cũng bận túi bụi những mẻ nhuộm đen. Cái chảo gang sôi lọc bọc, nước nhuộm đen kịt, đồ đen vắt trên sào đen nhức mắt. Đồ màu nâu thi thoảng bà mới làm một mẻ.
Nhãng đi, tôi ra thành phố, đi học, đi làm mua quần bò Thái màu bạc, đẹp và bền vô cùng, chẳng phai và còn lâu mới cũ. Tôi quên biến việc phải gia cố một cái quần như thủa sinh viên nên cũng quên cái góc nhỏ, có ba viên gạch bắc nồi, cái chảo gang đen kịt của bà. Bà cũng thôi làm nghề từ năm nào không biết.
Giờ quần áo chợ làng nhiều vô kể, sa tanh, lụa là, mình khô hoa ướt, nhung the, nhung nhám đầy, màu nào ra màu ấy, không phai thì còn lâu mới bạc. Những người già chống gậy đi chợ cũng dễ dàng mua cho mình bộ nhung tím, nhung đen, mua đôi quần sa tanh mặc Tết thì ai còn nhớ cái quần lụa “cá rô đớp gấu” cái quần ca tăng bạc ngày xưa nữa.
Và kể từ đó, hàng thợ nhuộm vắng bóng trong chợ làng tôi, chợ làng khác, chợ tổng và cả chợ tỉnh nữa.
Kể cả con phố mang tên “Thợ Nhuộm” của Hà nội với nghề này của 1 thời cũng chỉ còn là tên phố. Nghề xưa cũng đâu có còn, nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó rồi, tôi biên lại trong một nỗi nhớ mà thôi.