Thanh niên với sứ mệnh giữ gìn văn hóa dân tộc
Bài cuối:
BẢO TỒN VĂN HÓA TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
BPO - “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, đây là quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, diễn ra ngày 24-11-2021. Điều này đặt ra một phần trọng trách lên lực lượng thanh niên nước nhà. Thời gian qua, vấn đề làm sao để phát huy sứ mệnh thanh niên gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới được cả hệ thống chính trị các cấp quan tâm.
Tại Bình Phước, thông qua hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên, diễn ra tháng 11-2024, đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng định hướng thanh niên nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ và sứ mệnh của mình trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
“Chấn hưng văn hóa”
“Chấn hưng văn hóa” là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân ta, vừa là khát vọng, cũng đồng thời là nhiệm vụ chính trị cấp thiết hiện nay. Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra đời với mục tiêu: Xây dựng, phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập, vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Theo đó, nhiều kế hoạch đã được ban hành nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức thanh niên, mà nòng cốt là đoàn thanh niên các cấp, cùng với sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong những dự án bảo tồn văn hóa tại tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, đoàn viên Phạm Văn Tiến, Thành đoàn Đồng Xoài cho rằng: Thời gian qua, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn hạn chế, các lớp đào tạo nhạc cụ truyền thống, điệu múa dân gian, dệt thổ cẩm mới dừng lại ở hình thức, chưa thực sự thu hút các bạn trẻ, dẫn đến nguy cơ mai một bản sắc văn hóa một số dân tộc đặc trưng của tỉnh. Đây là vấn đề được rất nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh quan tâm và cần giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh được thanh niên chung tay gìn giữ và phát huy. Trong ảnh: Tuổi trẻ vui nhảy sạp tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc xã Ða Kia, huyện Bù Gia Mập
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Thanh Ngữ chia sẻ: Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã đề ra một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan quản lý văn hóa các cấp và có định hướng, tạo dựng nguồn lực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, tập trung giải quyết một số vấn đề cần thiết, cấp bách. Chú trọng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch thu hút thanh niên, hạn chế tối đa nguy cơ mai một bản sắc một số dân tộc tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh. Chú trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thông qua việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa. Khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, nhất là thanh niên - thế hệ trẻ nghiên cứu, bảo tồn, tham gia truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và vật thể.
Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống mới. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ du lịch với dịch vụ trong sự phát triển hài hòa, bền vững của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Dựa trên những thế mạnh về tài nguyên sinh thái, văn hóa bản địa, đặc sản đặc trưng, chủ thể dân tộc… để phát triển dịch vụ; chú trọng không gian phát triển du lịch của các điểm, tuyến, vùng kết nối với tỉnh. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch.
Ðồng hành phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Thanh niên Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng hiện nay có sự chủ động và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật độc đáo, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên đang dần mất kết nối với văn hóa truyền thống, sự thiếu hiểu biết và tự hào về văn hóa dân tộc do ảnh hưởng từ hội nhập văn hóa và môi trường số hóa. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Thanh Ngữ cho biết: Để khuyến khích sự sáng tạo văn hóa và nghệ thuật của thanh niên trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động thanh niên tham gia xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu. Giáo dục, định hướng để mỗi thanh niên nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Phát huy vai trò xung kích, đi đầu của đoàn viên thanh niên trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để thanh niên hiểu rõ và hành động đúng. Tăng cường tổ chức các sân chơi, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cho thanh niên; khuyến khích các hoạt động sáng tạo nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tham gia chấn hưng văn hóa trong thời kỳ mới; phát triển và đầu tư cho các ý tưởng, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa. Xây dựng môi trường, điều kiện học tập, rèn luyện, lao động, giải trí để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện. Trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện để thanh niên xung kích đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số đi đôi với văn hóa số, tiếp tục sáng tạo để xây dựng các sản phẩm văn hóa mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao trên nền tảng văn hóa truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, huy động sự hỗ trợ của các ngành, xã hội hóa để hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng cộng đồng kết nối giữa doanh nghiệp và thanh niên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Nghiên cứu lựa chọn mũi nhọn trong ngành công nghiệp văn hóa để tuổi trẻ triển khai như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; làng nghề truyền thống thanh niên; nghệ thuật truyền thống.
Hiện trên địa bàn tỉnh triển khai nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; trong đó có nhiệm vụ mở 12 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng để đảm bảo vận hành, duy trì hoạt động của điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin. Sau khi được tập huấn kiến thức, kỹ năng có thể vận dụng công nghệ số để quảng bá giới thiệu cho mọi người biết đến di sản văn hóa của dân tộc mình trên các nền tảng công nghệ số của tỉnh như: Cổng du lịch thông minh tỉnh Bình Phước tại địa chỉ http://dulichbinhphuoc.vn/. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục triển khai giới thiệu các điểm đến bằng công nghệ 360 và thực tế ảo AVR.