Thanh niên thành phố hướng về cội nguồn trong ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Hội trại 'Tự hào nòi giống Tiên Rồng' do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp với Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cho thanh niên thành phố.
Ngày 7-4, Thành Đoàn TP.HCM phối hợp với Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc tổ chức Lễ Khai mạc Hội trại truyền thống "Tự hào nòi giống Tiên Rồng" lần thứ XVI - năm 2025 vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm (mùng 10 tháng 3 Âm lịch).

Hội trại cũng là một trong những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ TP nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025).

Các đại biểu tham dự tại hội trại.
Trải qua 15 lần tổ chức, hội trại đã trở thành hoạt động chính trị - văn hóa giàu giá trị truyền thống, góp phần hun đúc lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước và trách nhiệm cộng đồng cho thanh niên TP.

Hội trại trở thành hoạt động văn hóa - chính trị quan trọng, rèn luyện lý tưởng cách mạng cho thanh niên TP.
Phát biểu tại hội trại, ông Lê Tấn An, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa – Dân tộc, đồng Trưởng Ban tổ chức Hội trại cho biết hội trại năm nay là một trong những hoạt động trọng điểm nằm trong kế hoạch tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Ất Tỵ 2025 của TP.

Thanh niên TP phấn khởi trong các hoạt động của hội trại trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Ất Tỵ 2025 của TP.
“Với sự tham gia của gần 1.000 trại sinh đến từ 24 đơn vị, hội trại không chỉ tạo sân chơi sinh hoạt tập thể mà còn là dịp để tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong tuổi trẻ thành phố và những cống hiến của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Cạnh đó, hội trại được thiết kế thành 08 tiểu trại vinh dự mang tên các vị vua Hùng.
Các trại sinh sẽ cùng nhau sinh hoạt, thi đua với những nội dung như: tham gia lễ dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương; hòa mình vào các trò chơi vận động, trò chơi lớn vừa mang tính giáo dục truyền thống, vừa rèn luyện kỹ năng. Song song với các trò chơi là Hội thi làm báo tường, cắm hoa và chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, sinh động” - ông An nói.

Nghi thức trao cờ truyền thống cho Ban Quản trại.

Mỗi hoạt động, từ lễ dâng hương Quốc Tổ đến trò chơi dân gian và hành trình tìm hiểu lịch sử, đều được thiết kế để kết nối thanh niên với truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha.



Hội trại là dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi giữa các cán bộ Đoàn, đoàn viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, quận, huyện, thành phố Thủ Đức và lực lượng vũ trang TP.
Theo ông An, mỗi hoạt động trong khuôn khổ hội trại, từ lễ dâng hương Quốc Tổ trang nghiêm đến các trò chơi dân gian, hành trình tìm hiểu lịch sử…, đều được thiết kế nhằm khơi dậy sự kết nối giữa thanh niên hôm nay với lịch sử dân tộc.

Hội trại thu hút gần 1.000 trại sinh đến từ 24 đơn vị.
Tính kế thừa và đổi mới là điểm nhấn nổi bật của chương trình, vừa bảo tồn nghi lễ truyền thống, vừa sáng tạo trong nội dung rèn luyện kỹ năng, sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa.

Hội trại nhằm tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên, thanh niên địa phương và lực lượng vũ trang, cùng xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng và năng lực hành động vì cộng đồng.