Thanh niên Hải Phòng háo hức tham gia tập huấn phân loại rác tại nguồn

Tại Hội nghị tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho đoàn viên thanh niên Hải Phòng, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ thực trạng quản lý rác thải và chính sách, quy định, hướng dẫn phân loại rác thải bằng nhiều cách thể hiện trực quan, sinh động thu hút các bạn đoàn viên thanh niên tương tác, hưởng ứng.

Lan tỏa nhận thức, kỹ năng phân loại rác tại nguồn

Sáng 23/11, Báo Tiền Phong phối hợp với Thành Đoàn Hải Phòng tổ chức Hội nghị "Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho đoàn viên thanh niên Hải Phòng", tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng.

Dự hội nghị, có nhà báo Phạm Tuấn Anh – Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh niên, Báo Tiền Phong; anh Bùi Đỗ Quang Dũng – Phó trưởng Ban Phong trào, Thành Đoàn Hải Phòng.

Cùng dự hội nghị, còn có ông Phạm Việt Anh – Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân; T.S Đào Văn Tùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng; bà Đào Thu Huyền - Phó phòng Quản lý rác thải rắn - Sở TN&MT Hải Phòng, ông Phạm Hà - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng cùng 200 đoàn viên thanh niên thành phố.

Đại biểu UBND quận Lê Chân, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng và đại biểu Thành Đoàn Hải Phòng dự hội nghị.

Đại biểu UBND quận Lê Chân, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng và đại biểu Thành Đoàn Hải Phòng dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà báo Phạm Tuấn Anh cho biết, những năm qua, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp ở hầu hết các địa phương, để lại nhiều hậu quả nặng nề đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, cả nước hiện nay mỗi ngày phát sinh gần 68.000 tấn rác thải, tỷ lệ thu gom khoảng 88%, trong đó tỷ lệ chôn lấp lên tới trên 64%.

Rác thải không được thu gom, xử lý dẫn đến hình thành các điểm tập kết rác tự phát, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, gia tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh cũng làm gia tăng thực trạng ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm. Hoạt động đốt rác tự phát khiến ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, đây là vấn đề môi trường đô thị rất nhức nhối hiện nay.

Thực tế, nhiều chuyên gia khuyến cáo, chỉ một viên pin đồng hồ, nếu chúng ta vứt bừa bãi ra môi trường có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hay một mét khối đất trong 50 năm.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh niên, Báo Tiền Phong phát biểu tại hội nghị.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh niên, Báo Tiền Phong phát biểu tại hội nghị.

Rác thải nhựa như các loại túi ni-lông, chai, lọ… chúng ta sử dụng hàng ngày, nếu không thu gom tái chế mà thải ra môi trường có thể mất hàng chục, hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Nếu đem đốt tự phát, có thể phát sinh ra những chất vô cùng độc hại với sức khỏe con người.

Những khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản là chúng ta chưa thực hiện được phân loại rác tại nguồn.

Từ thực tế đó, năm 2020, Quốc hội đã thông Luật Bảo vệ Môi trường với những chính sách đột phá, trong đó quy định chậm nhất ngày 31/12/2024, các địa phương phải thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Thống kê cho thấy, nếu thực hiện tốt phân loại rác tại nguồn sẽ giúp giảm 60-75% lượng rác thực phẩm, giảm 15-20% lượng rác tái chế, chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy. Điều này giúp giảm thiểu rất lớn những tác nhân, sức ép gây tác động xấu với môi trường và sức khỏe con người.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, Hải Phòng là địa phương được đánh giá thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn tốt nhất trên cả nước hiện nay. Tuy nhiên, như chúng ta biết, việc hình thành và duy trì thói quen phân loại rác tại nguồn của tất cả mọi người là hành trình không hề dễ dàng. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể làm điều này.

Ban tổ chức hy vọng, hội nghị sẽ giúp các bạn đoàn viên thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò của phân loại rác tại nguồn, cập nhật những quy định mới nhất, nắm được kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Toàn cảnh Hội nghị "Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho đoàn viên thanh niên Hải Phòng" tổ chức tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng sáng 23/11.

Toàn cảnh Hội nghị "Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho đoàn viên thanh niên Hải Phòng" tổ chức tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng sáng 23/11.

Từ đó, các bạn trẻ là những hạt nhân, những người tiên phong để lan tỏa về hành động phân loại rác tại nguồn đến người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các chi đoàn, khu phố, cộng động… của mình một cách hiệu quả nhất. Đây là hành động thiết thực, cụ thể để chúng ta cùng chung tay tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, hạnh phúc hơn.

Tuổi trẻ Hải Phòng thực hiện nhiều mô hình, hoạt động phân loại rác tại nguồn

Chị Hà Thị Minh Châu – Bí thư Quận Đoàn Lê Chân cho biết, ngày 20/9/2024, Quận ủy Lê Chân ban hành Nghị quyết số 12 về việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận. Đến nay, các địa phương, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức triển khai, quán triệt tinh thần của nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, Quận Đoàn - Hội LHTN quận tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, thực hiện nhiều mô hình, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn.

Chị Hà Thị Minh Châu - Bí thư Quận Đoàn Lê Chân chia sẻ về kế hoạch, những mô hình, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn ở cơ sở.

Chị Hà Thị Minh Châu - Bí thư Quận Đoàn Lê Chân chia sẻ về kế hoạch, những mô hình, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn ở cơ sở.

Quận Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn thường xuyên ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái quy định gắn với ngày “Chủ nhật xanh”, “Thứ 7 cùng dân”; duy trì Tuyến đường thanh niên tự quản sáng – xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh; phối hợp với Tổng Đội TNXP 13/5 lắp đặt các bảng quảng cáo rao vặt miễn phí, vẽ các bức tường xanh để hạn chế tình trạng dán, vẽ quảng cáo trái quy định, gây mất mỹ quan đô thị.

Theo chị Hà Thị Minh Châu, các hoạt động được triển khai theo hướng cải tạo, xây dựng công trình thanh niên xóa điểm đen về môi trường; dọn dẹp, làm sạch biển, trồng mới, chăm sóc cây xanh.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội còn thực hiện nhiều mô hình sáng tạo nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa như mô hình: Ngôi nhà xanh phòng chống rác thải nhựa; Thùng rác yêu thương; Thu đổi vỏ hộp sữa, lan tỏa sống xanh; Đổi rác tái chế lấy cây xanh; Thu gom pin đã qua sử dụng.

Đặc biệt, trong khối trường học, Quận Đoàn phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường về chủ đề bảo vệ môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa như dọn dẹp môi trường, trồng cây, tham quan các cơ sở xử lý rác thải.

Nhân dịp này, Báo Tiền Phong đã trao tặng 48 thùng phân loại rác 3 ngăn cho Quận Đoàn Lê Chân.

Nhân dịp này, Báo Tiền Phong đã trao tặng 48 thùng phân loại rác 3 ngăn cho Quận Đoàn Lê Chân.

Với những nỗ lực nêu trên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi đoàn viên, thanh niên và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, hình thành nên những thói quen tốt, hành động đẹp, góp phần xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

“Hội nghị đã cung cấp, cập nhật những thông tin, trang bị những kỹ năng mới nhất cho đoàn viên, thanh niên về phân loại rác tại nguồn theo quy định mới. Tôi đề nghị các cơ sở Đoàn, đoàn viên, thanh niên tham dự hội nghị với tinh thần nghiêm túc, tập trung, nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết về phân loại rác tại nguồn.

Quận Đoàn Lê Chân sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, vận động nhân dân thay đổi hành vi, thói quen, tập quán ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống”, chị Hà Thị Minh Châu nói.

Bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng chia sẻ với đoàn viên thanh niên về thực trạng và chính sách, quy định, hướng dẫn phân loại rác thải.

Bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng chia sẻ với đoàn viên thanh niên về thực trạng và chính sách, quy định, hướng dẫn phân loại rác thải.

Hàng trăm tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải

Tại hội nghị, bà Đỗ Vân Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng đã chia sẻ tham luận “Tìm hiểu thực trạng quản lý rác thải và chính sách, quy định pháp lý, hướng dẫn phân loại rác thải” bằng cách thể hiện trực quan, sinh động thu hút các bạn đoàn viên thanh niên tương tác, hưởng ứng.

Tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà – Trưởng Phòng tuyên truyền, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế phân loại rác thải tại nguồn ở cơ sở, địa phương. Ông Phạm Hà đã giới thiệu lộ trình phân loại rác thải tại nguồn ở Hải Phòng với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, qua đó đạt được kết quả hàng trăm tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn.

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ, địa phương đã tổ chức phân loại rác thải tại nguồn khoảng 8 năm nay với sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản. Đơn vị đã thực hiện kế hoạch 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2016-2024 tập trung tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn đến các nhà hàng, khách sạn, đơn vị, tổ chức, bệnh viện, trường học, cơ sở tôn giáo…

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ với các đoàn viên thanh niên về lộ trình phân loại rác thải tại Hải Phòng.

Ông Phạm Thanh Hà chia sẻ với các đoàn viên thanh niên về lộ trình phân loại rác thải tại Hải Phòng.

Từ tháng 6/2024, đơn vị bắt đầu triển khai giai đoạn 2 trong việc phân loại rác tại nguồn. Hoạt động phân loại rác được công ty phối hợp chặt chẽ với UBND phường, các tổ dân phố duy trì tuyên truyền thường xuyên, giám sát việc người dân phân loại rác theo mô hình các "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn".

Với các tổ dân phố đạt tỷ lệ các hộ dân phân loại rác tốt, theo đúng 3 nhóm rác sẽ được chứng nhận là "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải tại nguồn" và bàn giao cho UBND phường để tiếp tục phối hợp với các tổ dân phố để duy trì thường xuyên, giám sát và tiếp tục tuyên truyền nâng cao cho người dân.

Nhân viên môi trường Hải Phòng sử dụng xe thu gom có 3 ngăn phân loại rác từ các hộ gia đình.

Nhân viên môi trường Hải Phòng sử dụng xe thu gom có 3 ngăn phân loại rác từ các hộ gia đình.

Đến hết ngày 18/11/2024, đã có 262 tổ dân phố tại 4 quận trung tâm và huyện An Dương đã đạt "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải". Dự kiến, đến hết năm 2024, có 468 tổ dân phố đạt "Tổ dân phố kiểu mẫu phân loại rác thải".

Tại hội nghị, các bạn đoàn viên thanh niên Hải Phòng tương tác sôi nổi với các trò chơi, hoạt động có nội dung gắn với phân loại rác tại nguồn. Qua đó, các đoàn viên thanh niên nắm chắc các chủ trương, kế hoạch, kỹ năng phân loại rác tại nguồn.

Nguyễn Hoài - Mạnh Thắng - Nguyễn Hoàn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thanh-nien-hai-phong-hao-huc-tham-gia-tap-huan-phan-loai-rac-tai-nguon-post1694134.tpo
Zalo