Thành lũy thép trong lòng đất
Vĩnh Linh (Quảng Trị) có Địa đạo Vĩnh Mốc; TP. Hồ Chí Minh có Địa đạo Củ Chi, nhưng còn ít người biết đến ở TP. Bến Cát (Bình Dương) có một Địa đạo Tam giác sắt từng làm quân đội Mỹ, Ngụy khiếp đảm. Người Bình Dương tự hào ví von gọi đó là một thành lũy thép trong lòng đất.

Di tích Địa đạo Tam giác sắt, biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất.
Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về Lồ Ồ, phường An Tây, TP. Bến Cát (Bình Dương) trong tâm thế chào đón 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dọc bên đường biểu ngữ hồng tươi, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng sớm, chợt lòng tôi đằm lại vì liên tưởng đến một thời quân dân các xã: An Điền, An Tây và Phú An (TX. Bến Cát) xưa đã xây dựng nên một thành lũy thép trong lòng đất để sống và chiến đấu.
Hồi bấy giờ là vùng đất Tây - Nam của TX. Bến Cát. Vùng đất được bao bọc bởi sông Sài Gòn và sông Thị Tính. Từ năm 1948, người dân 3 xã An Điền, An Tây và Phú An đã cùng nhau xây dựng địa đạo phục vụ kháng chiến. Vì sự tàn khốc của đạn bom, bà con theo nhau đào hầm hào để trú ẩn. Rồi những đường hầm dài ra, rộng hơn, được thông nối lại với nhau, trở thành một thành lũy trú ẩn an toàn, kể cả khi một cửa hầm nào đó bị địch phát hiện cũng không thể làm tổn hại đến sinh mạng.

Công cụ đào địa đạo của nhân dân vùng Tam giác sắt.
Trái với sự xa hoa, tráng lệ của những thành trì được nhìn thấy trên mặt đất. Đó là sự ẩm ướt, tối tăm, chật chội bởi đường hầm nhỏ hẹp, thiếu ánh đèn, nhưng ở đó là những con người quả cảm, mưu trí, kiên cường đi qua 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Lớp cha trước, lớp con sau, tất cả cùng đào sâu vào lòng đất, tạo thành một địa đạo khổng lồ, nhiều chỗ sâu hơn 4m. Bom giật, bom rung trên mặt đất không làm ảnh hưởng đến cuộc sống trong lòng địa đạo. Việc đào đất cực nhọc, song lòng người phơi phới lời ca: “Chồng vác xuổng, vợ vác len/Con xách lồng đèn, cầm vá theo sau/Cả nhà chung sức với nhau/Đào hố, đào hào, chống đạn, chống bom”.

Phòng họp Ban Chỉ huy trong lòng địa đạo.
Xuống địa đạo (mô hình tham quan), chúng tôi được tận mắt thấy những vật dụng người dân sử dụng đào, chuyển đất. Đó là những cái cuốc có kích cỡ nhỏ; những cái ky đan vội bằng tre dùng chuyến đất, chiếc đèn bão cũ mèm… Anh cán bộ Khu Di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt giải thích: Hồi bấy giờ còn trong vòng kìm kẹp của Mỹ, Ngụy, nên việc đào địa đạo có yêu cầu bí mật nghiêm ngặt. Hơn nữa, người dân còn phải chăm lo mùa vụ, nên ngày đi làm, tối theo nhau xuống đào địa đạo. Cứ 1 người cuốc mở, 1 người chuyến đất đổ xuống sông Sài Gòn để tránh tai mắt địch.
Bộ đội, du kích và người dân địa phương đã đào hơn 100km địa đạo, với 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, hầm cứu chữa thương binh, hầm dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm. Địa đạo trở thành một thành lũy “bất khả xâm phạm” và trở thành căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến.
Vừa là nơi trú ẩn an toàn, thành lũy trong lòng đất này còn là chiến lũy tiêu diệt địch tại chỗ. Qua các gian trưng bày được bố trí trong lòng đất, với hầm chỉ huy, phòng dưỡng thương, khu nhà bếp cùng nhiều hiện vật như máy chiếu phim của tổ chức I4 (Ban tuyên truyền của Thành đoàn Gia Định), máy đánh chữ, đèn tự chế được làm từ vỏ đạn, quả bom bi của Mỹ, đạn T40… tôi cảm nhận được sự khủng khiếp từng diễn ra trên mặt đất và sự an toàn trong lòng địa đạo.

Trong chiến đấu, thương binh được chuyển xuống địa đạo trú ẩn an toàn.
Vì án ngữ ở vị trí quan trọng, quân, dân ta có thể tích trữ lương thảo, vũ khí, ém quân thần tốc đánh vào giải phóng Sài Gòn, nên dòng dã 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, là bấy nhiêu năm vùng dất này nhuốm máu đau thương. Nhiều lần vùng đất 3 xã An Điền, An Tây và Phú An bị bom đạn cày nát, trở thành vùng đất trắng, nhưng trong địa đạo sự sống vẫn sinh sôi.
Lời anh cán bộ hướng dẫn tham quan địa đạo cất lên cảm xúc: Mỹ, Ngụy tức tối vì sự tồn tại của vùng đất này, nên rất nhiều lần chúng tổ chức đánh lớn. Thậm chí cho cả máy bay B52 ném bom, pháo hạng nặng giội vào, ruộng vườn bị cày nát, nhà cửa cháy ngùn ngụt càng làm lòng căm phẫn trong lòng người dâng cao. Cũng ở đây, bộ đội và du kích địa phương đã có những trận đánh "xuất quỷ - nhập thần". Một số cựu binh Mỹ có dịp trở lại, nhìn chông tre, mũi tên nhọn tầm vông còn chưa hết khiếp đảm.
Năm 1967, Mỹ, Ngụy đã sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của hồi bấy giờ để “tổng lực” xóa số vùng đất này. Trận càn quét quy mô lớn mang tên Cedar Falls bắt đầu từ ngày 8 đến ngày 26/1/1967, với 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52. Nhưng chúng bất lực vì sau mỗi loạt bom giội, bom văng, chúng cho quân tràn vào càn quét lại phải bật ra vì những loạt đạn chúng không xác định được ở đâu bắn tới. Hoảng loạn đội hình, chúng rút lui với thất bại thảm hại: 3.200 tên Mỹ, Ngụy bị tiêu diệt tại chỗ, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy...

Nhiều hoạt động ý nghĩa được các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt.
Chiến tranh đã đi qua, hận thù khép lại, năm 1996, Địa đạo Tam giác sắt được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng từ nhiều năm nay Khu Di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Vì chiến tranh ác liệt, nếu không có địa đạo thì các cấp lãnh đạo thời đó không tồn tại được mà địa đạo Tây Nam Bến Cát là trung tâm (cái nôi) của địa đạo chiến ở miền Đông Nam Bộ (Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng).