Thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội gần 200 ha
Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có quy mô diện tích gần 200 ha, thuộc địa bàn các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã ký Quyết định số 1054/QĐ-TTg ngày 29/9/2024 thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Khu công nghệ cao trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội với tên gọi là Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có quy mô diện tích 199,03 ha, thuộc địa bàn các phường: Tây Tựu, Liên Mạc, Minh Khai, Thụy Phương và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có chức năng thực hiện các hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đồng thời, triển khai việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng và xác định ranh giới, vị trí Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, bảo đảm thống nhất với vị trí và quy mô diện tích đã được quy định.
Xây dựng phương án tổ chức đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng Ban Quản lý Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Ngày 1/2/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao, với Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao.
Theo đó, khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.
Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.
Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương...