Hội đồng của nhân dân: Bắc Kạn - Hợp tác xã gặp khó về hạ tầng sản xuất kinh doanh
Bắc Kạn là một trong những tỉnh miền núi nghèo của cả nước với hơn 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa 9 và Luật Hợp tác xã, thực hiện đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, số lượng hợp tác xã của tỉnh đang phát triển. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động và quản lý của các hợp tác xã chưa cao, tốc độ phát triển còn chậm so với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt việc không có hạ tầng để sản xuất đang làm cản trở sự phát triển của các hợp tác xã nơi đây.
Hợp tác xã (HTX) Nồng Hoàn có 7 thành viên, sản xuất chủ yếu là nấm sò và nấm rơm, mỗi tháng cho thu nhập hơn 5 triệu/hộ. Dù đầu ra luôn ổn định nhưng do không có vốn, nhà xưởng, nhà kho để bảo quản nguyên liệu làm ra nên HTX này gặp khó trong quá trình sản xuất.
Bà Trần Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc HTX Nồng Hoàn, tỉnh Bắc Kạn, cho biết khó khăn lớn nhất của HTX là nhà xưởng hiện nay chỉ làm tạm, nên mong muốn có sự hỗ trợ nhà xưởng quy mô, hệ thống tưới nước, phun sương để sản xuất nấm được tốt hơn...
Câu chuyện khó khăn về vốn, máy móc, nhà xưởng chế biến, chiết suất cũng là vấn đề chung của các HTX ở tỉnh Bắc Kạn đang gặp phải.
Ông Lê Hồng Quân - Giám đốc HTX Vạn Lộc, bày tỏ: Khó khăn, thách thức là người dân còn nghèo, mong muốn các cơ quan chuyên môn lồng ghép, đưa các chương trình hỗ trợ tổ chức sản xuất liên kết để HTX có vùng nguyên liệu chế biến, chiết suất, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án.
Không chỉ riêng HTX Vạn Lộc mà còn rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đặc thù là tỉnh miền núi, kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, sản xuất theo kiểu tự túc, tự cấp nên việc triển khai các mô hình HTX còn nhiều bất cập, ngoài ra khó khăn thêm nữa là không thể “dồn đổi đất rừng”.
Ông Nông Bình Cương - Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, cho biết, huyện Ngân Sơn có 30 HTX nhưng do xuất phát điểm là huyện nghèo, điệu kiện của bà con nhân dân xây dựng HTX gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó các tiêu chí hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn khó...
Theo ông Hoàng Hữu Khiếu - Phó Chủ tịch UBND phường Xuất Hóa, tỉnh Bắc Kạn, khi muốn xây dựng quy mô HTX thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất dùng, mục đich sử dụng HTX... mất nhiều thời gian để làm các thủ tục và điều chỉnh các quy hoạch để thực hiện theo tiêu chí đề ra.... Ngoài ra, trình độ quản lý kinh tế của các HTX còn yếu.. chưa kể sự liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế. Do vậy, chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bắc Kạn: HTX gặp khó về hạ tầng sản xuất kinh doanh
Nghị quyết số 37 HĐND tỉnh Bắc Kạn về chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kết cấu hạ tầng các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 31.580 triệu đồng, hỗ trợ nhà kho, nhà xưởng cho hơn 14 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các HTX được tiếp cận vay vốn ngân hàng, được hỗ trợ thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây là một trong những nghị quyết phát huy hiệu quả cao trong việc đẩy mạnh kinh tế tập thể thời gian qua.
Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với việc được hỗ trợ của tỉnh xây dựng đầu tư nhà xưởng với diện tích 400 mét vuông và nhà phơi 200 m vuông đã giúp HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố mở rộng sản xuất kinh doanh và đáp ứng được những đơn hàng lớn cũng như tạo được việc làm cho người lao động.
Ông Lương Đình Hùng - HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, cho biết: HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố đã tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn miền núi, nhiều hộ liên kết trồng mướp đắng rừng, chè Như cố và mật ong rừng đã có thu nhập ổn định. Các sản phẩm của HTX hiện nay đạt OCOP 3 sao và có lượng tiêu thụ rất tốt trên thị trường. Từ khi có nhà xưởng, HTX sẽ đáp ứng đc nhiều tệp khách hàng.
Ông Hoàng Nguyễn Việt - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết, HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố nhận được giúp đỡ ngày càng phát triển. Hiện chính quyền sẽ đẩy mạnh kết nối các địa điểm du lịch khách tham quan đến với HTX, để từ đó tạo sự liên kết quảng bá sản phẩm...
Có nhà kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm đây là trợ lực bền vững để các HTX phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Ông Hà Sỹ Huân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cho biết, trên cơ sở Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh, nông nghiệp bắt đầu đi vào hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều hàng được thị trường ưa chuộng, có hơn 200 sản phẩm OCOP. Trong lúc chưa thu hút được doanh nghiệp lớn, chưa có điều kiện sản xuất tập trung thì HTX là hướng đi đúng, bền vững phù hợp với điều kiện tự nhiên của Bắc Kạn.
Hiện Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công đang đẩy mạnh hoàn thiện nốt 3 HTX, từ đó góp phần tạo thu nhập cho người dân cũng như góp phần phát triển có chiều sâu, bền vững các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Ông Hoàng Hải Bằng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thông tỉnh Bắc Kạn, cho biết, đến thời điểm này đã có 8 HTX được nghiệm thu đi vào hoạt động và 6 HTX đã triển khai xây dựng được 50%. Hiện 3 HTX đang gặp khó về đất đai.... Ban Quản lý đang tập trung tháo gỡ và quyết tâm về đích 14 HTX trong năm 2024.
Tỉnh Bắc Kạn đang đẩy nhanh việc đầu tư cho các HTX, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70% hợp tác xã hoạt động nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên../.
Thành công từ chính sách hỗ trợ hạ tầng cho các hợp tác xã
Phóng viên: Thưa ông, Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển HTX với việc đầu tư hạ tầng sản xuất kinh doanh. HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện nghị quyết này như thế nào?
Ông Đồng Văn Lưu - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn: Trong những năm gần đây, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các HTX đã từng bước góp phần chuyển dịch kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, kinh tế xã hội nông thôn dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, phần lớn các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng nhà của thành viên hợp tác xã làm nơi sản xuất kinh doanh và tập kết sản phẩm sản xuất ra.
Qua giám sát cho thấy, đến nay, đã có 11/14 HTX được đầu tư kết cấu hạ tầng, với tổng kinh phí hỗ trợ là 20.192 triệu đồng. Tuy nhiên, còn 03/14 Hợp tác xã chưa triển khai thực hiện,
Quá trình thực hiện Nghị quyết gặp một số khó khăn vướng mắc như: Nhiều HTX không có quỹ đất chung hoặc không đủ diện tích đất để nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà kho, nhà xưởng) nên quá trình thực hiện phải điều chỉnh quy mô hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết những vướng mắc của dự án, đảm bảo dự án hoàn thành theo kế hoạch.
Phóng viên: Đối với Bắc Kạn, hoạt động của HTX là 1 trong những thành tố quan trọng phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh? Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả Nghị quyết 37 và thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, HĐND đã có những giải pháp nào?
Ông Đồng Văn Lưu - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn: Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp như sau: Rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác để kịp thời sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, cán bộ quản lý hợp tác xã; Hỗ trợ cho hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; kết nối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hợp tác xã; có nhiều hoạt động kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp để nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; Tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận vốn, nguồn lực về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!