Thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1344/NQ-UBTVQH15 thành lập Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm Trưởng ban soạn thảo.
2 Phó Trưởng Ban soạn thảo là ông Lê Quang Tùng, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu.
Ban soạn thảo có 13 thành viên gồm:
- Bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc;
- Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật;
- Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp;
- Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế;
- Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh;
- Ông Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội;
- Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại;
- Bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu;
- Ông Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện;
- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách;
- Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục'
- Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Nghị quyết nêu rõ: Ban soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo, thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14; bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 1339/NQ-UBTVQH15 ngày 28/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thường trực Ban soạn thảo.
Ban soạn thảo được sử dụng con dấu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình hoạt động. Thành viên Ban soạn thảo được sử dụng bộ máy và cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị mình phụ trách để thực hiện nhiệm vụ.
Trưởng Ban soạn thảo thành lập Tổ biên tập để giúp việc soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan.
Ban soạn thảo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.