Thành lập 2 tổ công tác giải quyết công việc khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp
Hôm nay 22/5, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về các nhiệm vụ trọng tâm khi sắp xếp lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: Q.H
Cuộc họp tập trung thảo luận, cho ý kiến về tiến độ tham mưu xây dựng phương án tổng thể sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập; khó khăn, vướng mắc trong việc phối hợp với tỉnh Quảng Bình xây dựng các đề án tổ chức lại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; việc hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy cấp xã và xử lý chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Có thể bố trí phòng ở cho 515 cán bộ, công chức ra Đồng Hới làm việc
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Quang Chiến cho biết, đến nay các nhiệm vụ, nội dung công việc, tiến độ được giao về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, cấp xã đã hoàn thành theo đúng quy định. Sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đối với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã và Đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, hướng dẫn của bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định. Để bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường, thông suốt của các cơ quan hành chính các cấp, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ. Theo ông Chiến, nếu như tiến độ sắp xếp bộ máy hành chính cơ bản hoàn thành đúng tiến độ thì sở vẫn còn lúng túng trong việc tham mưu thành lập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp cấp xã.
Về phương án sắp xếp trụ sở và tài sản công cấp huyện và xã, Giám đốc Sở Tài chính Trương Chí Trung cho biết hầu hết các huyện đề nghị bàn giao trụ sở, ô tô, máy móc thiết bị cho các xã mới. Quan điểm của Sở Tài chính thống nhất với đề xuất này. Đối với tài sản công cấp tỉnh, Sở Tài chính đề xuất các trụ sở dôi dư sau khi đã sắp xếp bố trí thì thực hiện xử lý theo quy định, trong đó ưu tiên chuyển đổi công năng làm trụ sở y tế, giáo dục.
Về nhà ở công vụ, ông Trung cho biết sở đã phối hợp với Sở Tài chính Quảng Bình xây dựng phương án bố trí phòng ở cho 515 cán bộ, công chức ra Đồng Hới làm việc. Trụ sở làm việc cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các ban, ngành tỉnh mới sau sáp nhập. Đối với hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau khi thực hiện sáp nhập, ông Trung cho biết để xây dựng được chính sách đòi hỏi số liệu cụ thể mới thực hiện được.
Ông Trung cũng cho biết trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc liên quan đến mặt bằng các dự án và đề nghị các sở, ban, ngành liên quan trực tiếp tháo gỡ; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để hỗ trợ chủ đầu tư.
Tổ chức bộ máy sau sáp nhập phải đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu
Thảo luận, góp ý tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hữu Hùng thông tin, tổng số người đăng ký nhà ở công vụ toàn tỉnh là 2.277. Riêng Sở Xây dựng muốn bảo vệ tỉ lệ 1/3 ra Quảng Bình, 2/3 ở lại Quảng Trị. Để có số liệu nhà ở công vụ, ông Hùng đề nghị lãnh đạo hai tỉnh sớm hoàn thành đề án.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đakrông Thái Ngọc Châu chia sẻ, bố trí cho cán bộ, công chức về làm việc tại các xã rất nan giải vì địa bàn miền núi rộng, giao thông khó khăn. Ông Châu kiến nghị cần có chính sách xây dựng nhà công vụ cho cán bộ miền núi. Ngoài ra, xã phải có kinh phí thuê xe cho cán bộ, công chức từ cấp huyện đi vào để đáp ứng với điều kiện giao thông.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương kiến nghị bố trí cán bộ các phòng giáo dục về cơ sở công tác vì như thế vừa đáp ứng nhu cầu các vị trí đang thiếu lại giảm bớt áp lực cho việc sắp xếp khi sáp nhập, hơn nữa vừa đáp ứng nguyện vọng của họ. Ngoài ra, bà Hương kiến nghị trụ sở dôi dư bố trí cho ngành giáo dục để đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất. Đặc biệt, bà Hương bày tỏ mong muốn có định hướng đưa Trường Đại học Quảng Bình vào Quảng Trị, vì trung tâm hành chính đã đưa ra Đồng Hới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến thông tin, trung tâm hành chính cho tỉnh Quảng Trị (mới) rất thuận lợi vì các sở, ngành hai tỉnh đã làm việc với nhau. Vấn đề còn lại là lãnh đạo hai sở tương ứng phải thống nhất phòng nào, đơn vị nào đi và ở lại để có con số cụ thể. Về vấn đề thành lập, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến nói đây là nội dung rất khó, chưa có hướng dẫn cụ thể, phải có buổi làm việc cụ thể mới giải quyết được. Đồng thời đề nghị thành lập 2 tổ công tác giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm khi sắp xếp lại đơn vị ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát kế hoạch đã đề ra để kịp thời xử lý, báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Đồng thời yêu cầu tập trung ưu tiên giải quyết sớm, dứt điểm các chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, công chức, đặc biệt các trường hợp liên quan đến sáp nhập. “Tập trung ưu tiên giải quyết dứt điểm trước khi có thay đổi, không làm gánh nặng cho bộ máy hành chính mới. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung xử lý”, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh.
Về tổ chức bộ máy làm việc của tỉnh sau sáp nhập, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cho rằng phải đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, không xem nặng tỉ lệ cán bộ đi/ở bao nhiêu. UBND tỉnh không đưa ra tỉ lệ nhất định số cán bộ, công chức đi hay ở lại mà căn cứ vào điều kiện công việc, hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, kết nối ở điểm đến mới. Đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập, về nguyên tắc đơn vị cung ứng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn phải tính toán ưu tiên số lượng, có thể phân bố hai tỉnh. Đối với các công ty dịch vụ môi trường công ích, đô thị, nguyên tắc đang ở đâu thì để yên tại đơn vị đó. Các ban quản lý dự án, trung quản lý quản lý quỹ đất tại những xã phường có đủ điều kiện thì thành lập trung tâm, các xã không đủ điều kiện, năng lực thì thuê những đơn vị này để làm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chỉ đạo cần nghiên cứu các nguồn lực hiện có để phân bổ cho các dự án; đẩy nhanh tuyển dụng công chức, viên chức giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy và chăm sóc sức khỏe. Đối với trụ sở dôi dư, phải rà soát lại toàn bộ để bố trí một cách hợp lý, ưu tiên cho giáo dục, y tế.
Để triển khai các nội nội dung trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đồng ý thành lập 2 tổ công tác. Một tổ giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo Sở Nội vụ làm tổ trưởng. Một tổ xử lý vấn đề công sản liên quan đến phương tiện, trụ sở, máy móc, trang thiết bị, do lãnh đạo Sở Tài chính làm tổ trưởng. Trong tuần này hai tổ đi vào hoạt động ngay.